Làm rõ quyền làm chủ của nhân dân
Ngày 25/9, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, mô hình chính quyền đô thị đã được Quốc hội cho phép thí điểm tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng, đây là cơ sở thuận lợi cho Thành phố Hồ Chí Minh tham khảo kinh nghiệm trong việc xây dựng, trình thẩm định Đề án.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung góp ý, đánh giá mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh; các căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn; kết cấu, bố cục, nội dung Đề án… Đặc biệt khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị cần làm rõ việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong việc giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng, là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất (gồm tất cả 24 quận, huyện, 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Khi thực hiện thí điểm, quyền làm chủ của Nhân dân luôn được đảm bảo và không ngừng phát huy thông qua việc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Thành phố. Thông qua vai trò của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, người dân có nhiều kênh tham gia ý kiến hoặc phản ánh trực tiếp đến các cấp UBND. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính.
Theo ông Phong, Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành sẽ có tác động tích cực đến tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân Thành phố nói chung.
Báo cáo Đề án tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà vẫn phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao tính minh bạch, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nội dung chính của Đề án, chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND Thành phố và UBND Thành phố. Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính quyền địa phương ở phường là UBND phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đề án cũng điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và quy định nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường. Ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh, khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, cơ cấu tổ chức của các quận, phường gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi trị trí việc làm. Nhân sự của UBND cấp quận, cấp phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi trong chỉ đạo điều hành các công việc hành chính trên địa bàn, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, thực hiện tinh giản biên chế, giảm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và ở phường; góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc.
Đúc rút kinh nghiệm sau 7 năm thí điểm
Thẩm định Đề án, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đã bám sát các nội dung tại các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng; đã đề xuất cụ thể các mô hình tổ chức, chế độ công chức, công vụ tại quận, phường; có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá kỹ lưỡng kết quả không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009-2016 để làm cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất tổ chức chính quyền đô thị trong Đề án.
Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đúc rút kinh nghiệm trong 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường để làm nổi bật tính ưu việt của mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức chính quyền đô thị; bổ sung tác động của công nghệ trong việc việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, vừa đảm bảo tính dân chủ vừa ứng dụng công nghệ thông minh vào các quy trình quản lý.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, các đô thị đều là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa… của địa phương, do đó, cần có mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ.
Trong đề án có nhiều nội dung mới, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp đối với UBND phường; đổi mới cơ chế lãnh đạo giữa các cấp ủy đảng, cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước với đảng và các tổ chức chính trị - xã hội… Tất cả điều đó tạo ra bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.