Nối dài đường sắt tốc độ cao
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong các nội dung được kết luận, Phó Thủ tướng đã sơ bộ kết luận nội dung về hướng tuyến, tốc độ chạy tàu.
Cụ thể, với hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, được định hướng xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và TPHCM.
Về kịch bản phát triển, cần phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, kinh nghiệm quốc tế, tốc độ thiết kế 350 km/h.
Với kết luận định hướng trên của Phó Thủ tướng, điểm đầu và cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể sẽ được xem xét lại. Thay vì phương án khởi đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM) như các dự thảo trước đây; còn ga Hà Nội và ga Sài Gòn của đường sắt hiện hữu có thể được di dời, hoặc chuyển thành ga đường sắt đô thị. Thực tế, thời gian qua, cả Hà Nội và TPHCM đều có ý định di dời ga Hà Nội và ga Sài Gòn khỏi nội đô, hoặc chuyển các ga này chỉ phục vụ đường sắt đô thị, không còn phục vụ đường sắt quốc gia.
Được biết, Cục Đường sắt Việt Nam đang xây dựng quy hoạch các ga đầu mối Hà Nội và TPHCM. Tư vấn lập quy hoạch đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh lại phương án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, khu vực Hà Nội được đề xuất kéo dài tuyến đường sắt này tới ga Hà Nội, biến ga này thành ga đầu mối trung chuyển giữa đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, thay vì dừng tại ga Ngọc Hồi. Khu vực TPHCM, đường sắt tốc độ cao kéo dài tới ga Sài Gòn (ga Hoà Hưng) thành ga trung tâm, trung chuyển khách giữa đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị.
Đề xuất ga Hà Nội và Sài Gòn vẫn là đầu mối chính
Với khu vực Hà Nội, theo quy hoạch đã được duyệt về đường sắt, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ dừng tại tổ hợp ga Ngọc Hồi, sau đó khách sẽ chuyển tiếp sang đi đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên để vào nội đô. Từ kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước đường sắt quốc gia đều đi sâu vào nội thị, nên tư vấn lập quy hoạch ga đường sắt khu vực Hà Nội đề xuất, giữ lại hành lang Ngọc Hồi - ga Hà Nội của đường sắt hiện hữu để nối dài đường sắt tốc độ cao vào tới ga Hà Nội. Cùng đó, chuyển chức năng khu kỹ thuật (đề-pô) từ ga Ngọc Hồi về ga Thường Tín.
Tư vấn lập quy hoạch cho rằng, ga Ngọc Hồi cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km, đây là khoảng cách khá xa cho khách muốn tiếp cận đường sắt Bắc – Nam (cả tàu khách và tàu hàng). Điều này sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía Bắc sông Hồng. Bên cạnh đó, đường sắt tốc độ cao sẽ cơ bản sử dụng đường riêng (đi trên cao, không xung đột, giao cắt với đường đô thị), nên sẽ không gặp phải tồn tại, bất cập như đường sắt hiện hữu, như không tác động gây ùn tắc giao thông mỗi khi có tàu; hạn chế tai nạn giao thông…
Về đề xuất chuyển chức năng đề-pô từ ga Ngọc Hồi về ga Thường Tín, đơn vị tư vấn lập luận, trên cơ sở chạy tàu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam về tới ga Hà Nội, khi dời khu kỹ thuật như trên sẽ giảm chi phí vận hành, do tàu không phải chạy rỗng quá dài để tiếp cận khi có vấn đề về kỹ thuật; đỗ tàu chờ giờ chạy.
Với khu vực đầu mối TPHCM, tư vấn lập quy hoạch ga đường sắt khu vực cho hay, ga Sài Gòn (còn gọi ga Hoà Hưng, quận 3, TPHCM) là điểm đầu/cuối của tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu. Theo quy hoạch đường sắt đã được duyệt, trong tương lai, tuyến đường sắt hiện hữu sẽ dừng tại ga Long Khánh, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong tương lai sẽ dừng tại ga Long Thành.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đảm bảo thu hút người dân, tư vấn xây dựng phương án và đề xuất ga hành khách, sẽ có đầu mối chính phía Bắc tại ga Bình Triệu, tiếp tục duy trì ga Sài Gòn thành ga trung tâm (chuyển tiếp giữa đường sắt Bắc - Nam và đường sắt đô thị). Tổ chức chạy tàu khách đường sắt tốc độ cao liên thông, xuyên tâm theo hướng ga Thủ Thiêm - ga Tân Kiên qua trung tâm phía Nam TPHCM. Tổ chức ga Bình Triệu và ga Tân Kiên thành trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng tàu; thêm khu đề-pô Chí Hoà.
Sau khi tiếp tục giữ lại ga Sài Gòn cho tàu khách tốc độ cao Bắc - Nam, và lập ga Bình Triệu thay cho khu đầu mối Thủ Thiêm, tư vấn đề xuất, với ga Thủ Thiêm sẽ không tổ chức cho hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chỉ là ga đầu/cuối của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị. Do ga Thủ Thiêm được định hướng là đầu/cuối của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai, lượng khách rất lớn, nhưng trong các quy hoạch lại không kết nối, liên thông với khách trên các tuyến khác từ TPHCM.
Bên cạnh đó, ga Thủ Thiêm cũng không đi qua trung tâm TPHCM, nên khả năng thu hút khách, giải tỏa khách đều rất hạn chế, nguy cơ ùn tắc cao. Ngoài ra, khu vực Thủ Thiêm cũng khó có thêm diện tích để bố trí khu kỹ thuật cho tàu tốc độ cao, nên phải bố trí vị trí đề-pô ở các vị trí khác cách ga này khoảng 12km, nên rất bất lợi, tàu phải chạy rỗng để chờ giờ, bảo dưỡng, sửa chữa.
Với phương án trên ga Sài Gòn hiện hữu, và ga Bình Triệu sẽ đón/trả khách tàu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ trung tâm TPHCM đi phía Bắc, ga Tân Kiên tổ chức chạy tàu liên thông ga Thủ Thiêm - ga Tân Kiên cho tàu khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua phía Nam TPHCM. Tuyến đường sắt nối vào trung tâm TPHCM sẽ đi trên cao, nên không gây ùn tắc.