Đề xuất kinh phí 2.000 tỷ để nạo vét, cải tạo môi trường hồ Tây

TPO - UBND thành phố Hà Nội thống nhất dừng dự án Nạo vét bùn Hồ Tây năm 2018, đồng thời chủ trương giao UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư đề xuất dự án nạo vét thay thế. Theo đó, UBND quận Tây Hồ đề xuất thành phố hỗ trợ tổng kinh phí 4.200 tỷ đồng, trong đó dành 2.000 tỷ đồng để nạo vét bùn, cải tạo môi trường hồ Tây. 

Thông tin phản hồi liên quan đến dự án Nạo vét bùn hồ Tây, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội (BQLDA Nông nghiệp) cho biết, tháng 11/2024, UBND thành phố Hà Nội đã có buổi họp với Ban, quận Tây Hồ liên quan đến quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng do UBND quận Tây Hồ triển khai. Trong đó có nội dung liên quan đến hoạt động nạo vét bùn hồ Tây.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt dự án nạo vét bùn hồ Tây. Đây là dự án nhóm B, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố - BQLDA).

UBND thành phố Hà Nội nhận định, môi trường nước hồ Tây còn nhiều bất cập như còn điểm xả nước thải trực tiếp vào hồ, chưa có giải pháp xử lý bùn thải sau nạo vét… Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã ban hành quy định quản lý và khai thác hồ Tây, đồng thời đã giao UBND quận Tây Hồ chủ trì tổ chức lập Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận.

Do đó, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thống nhất dừng thực hiện dự án nạo vét bùn hồ Tây, giao Sở Xây dựng phối hợp với BQLDA Nông nghiệp, UBND quận Tây Hồ thực hiện chỉ đạo của UBND TP để tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP theo quy định.

Một số dự án nạo vét bùn hồ Tây đã được thực hiện vào năm 2017

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Tây Hồ nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư tổng thể làm sạch môi trường hồ và tạo cảnh quan, chất lượng cao, đồng bộ với Quy định quản lý và khai thác hồ Tây và định hướng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận. Nội dung đề xuất bao gồm cả các vấn đề xử lý bùn thải, cảnh quan, hệ thống thu gom, xử lý nước thải… và các vấn đề hạ tầng kỹ thuật khác, phối hợp với UBND quận Ba Đình trong việc nghiên cứu dự án làm sạch môi trường hồ Trúc Bạch. Song song với đề xuất giải pháp thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố tại khu vực.

Lãnh đạo thành phố giao tiến độ báo cáo trong tháng 12/2024, phấn đấu hoàn thành dự án đầu tư trong năm 2026.

Rác, bùn thải gây ô nhiễm hồ Tây suốt nhiều năm nhưng chưa được giải quyết

Cũng liên quan đến nội dung nạo vét bùn hồ Tây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn giao Sở Xây dựng cùng Sở Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu xử lý, tái chế bùn thải thoát nước tại huyện Thường Tín phù hợp với Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến 2030, tầm nhìn năm 2050.

Đại diện Ban quản lý Hồ Tây cho biết thêm, đối với chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, hiện quận đang đề xuất chủ trương đầu tư như một dự án mới. Đối với dự án Nạo vét bùn hồ Tây đã ban hành từ năm 2018, nhiều định mức đã thay đổi nên quận sẽ bổ sung nội dung, phạm vi nghiên cứu, định mức nhân công... Do đó dự án đề xuất sẽ điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp với thời điểm hiện tại và báo cáo UBND thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội có quyết định về dự án Nạo vét bùn hồ Tây với tổng số tiền lên tới hơn 336 tỷ đồng, do BQLDA Nông nghiệp làm chủ đầu tư. Dự án này được chia ra làm 8 gói thầu nhỏ, trong đó giá trị lớn nhất tập trung vào gói thầu nạo vét bùn với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên đến tháng 9/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ra thông báo tạm dừng dự án này.

Đến đầu năm 2024, UBND quận Tây Hồ đề xuất UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây với tổng kinh phí 4.200 tỷ đồng.

Theo đó, tổng mức đầu tư để nạo vét bùn, cải tạo môi trường hồ Tây khoảng 2.000 tỷ đồng.