Đề xuất hai phương án sáp nhập các văn phòng cấp tỉnh

TPO - Cho ý kiến về việc hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh (Văn phòng HĐND, UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị 2 phương án.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/7, cho ý kiến về việc hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh (Văn phòng HĐND, UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị 2 phương án. Theo đó, phương án 1 là nhập hai văn phòng và phương án 2 là nhập 3 văn phòng như thí điểm.

“Nhập vào tách ra lần này là lần thứ 3. Lúc tôi làm ở Hải Dương cũng tách ra nhập vào, rồi khi làm luật khoá 13 lại tách ra, giờ lại nhập vào. Thôi lần này đừng có tách ra nhập vào nữa, cứ mỗi lần làm thế thay đổi con dấu rồi đủ thứ chuyện”, bà Ngân nêu, đồng thời đề nghị trong tháng 10 tới sẽ đánh giá về phương án hợp nhất 3 văn phòng đang thí điểm, để phục vụ Quốc hội kỳ họp tới "có cơ sở đánh giá tác động". 

Cùng đề cập đến việc thực hiện thí điểm sáp nhập 3 văn phòng (Văn phòng HĐND, UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH) ở 12 địa phương, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, qua thí điểm thấy có những vấn đề nảy sinh. “Như Chánh văn phòng, một bên vừa đưa ra các vấn đề của Ủy ban để trình ra Hội đồng, bên này lại báo cáo thẩm tra, sau này lại tiếp thu, giải trình. Văn phòng như cái cổ, giờ 1 cổ phụ 2 đầu, không biết ngoái kiểu nào”, ông Phùng Quốc Hiển ví vón và đề nghị, đồng thời đưa 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1 là theo hướng thí điểm sáp nhập 3 văn phòng, tức “1 cổ 3 đầu”; còn phương án 2, có 2 cơ quan là Văn phòng UBND và Văn phòng của đoàn ĐBQH - HĐND. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân lý giải, sau hợp nhất, văn phòng đều có cơ quan nghiên cứu phục vụ. Dù 2 hay 3 văn phòng thì cũng chỉ là cơ quan phục vụ, sau này thí điểm xong sẽ quyết định. Ông Tân cũng cho rằng, có thể xin ý kiến Bộ Chính trị về 2 phương án trên.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tại phiên họp. Ảnh QH

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, không nên đặt vấn đề giảm cơ quan dân cử mà bên Chính phủ lại "không đả động gì". Theo ông Tân, đối với cấp xã loại II, dự kiến sẽ có 50% xã sáp nhập. Ngay trong đợt 1 sẽ sáp nhập hơn 600 xã. Quy mô sau sáp nhập lớn như thế, nếu chỉ có một Phó chủ tịch UBND thì sẽ rất khó khăn.

Cùng với cơ quan dân cử, Chính phủ cũng đang làm rất mạnh trong việc tinh giản biên chế trong các Bộ. Chẳng hạn với số lượng cấp phó, sẽ do Bộ trưởng quyết định, cố gắng giảm gọn lại, không để to như bây giờ. “Không nên đặt vấn đề giảm bên này mà không giảm bên kia”, ông Tân cho hay.