Ngày 13/9, tại Hội nghị “Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ khi dịch làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, đặc biệt các tỉnh phía Nam, hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều loại nông sản bị ùn ứ, và có nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được.
Theo Thứ trưởng Tiến, hiện doanh nghiệp phải chịu gánh nặng rất nhiều chi phí. Chẳng hạn, việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp, chi phí quá lớn trong khi hiệu quả chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp không thể bố trí và trụ nổi nếu tiếp tục kéo dài theo phương thức này.
Ngoài ra, chi phí vận tải biển tăng cao lên 6-7 lần, thậm chí đến 10-13 lần ở một số chặng. Việc vận chuyển trong nước gặp nhiều khó khăn khi một số địa phương còn quy định không cho xe ngoài tỉnh vào, yêu cầu thời gian xét nghiệp PCR, test nhanh khác nhau gây lãng phí.
Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng (tăng từ 16-30%); và các chi phí điện, nước cho sản xuất, kho lạnh, chi phí lưu kho cũng là những gánh nặng của doanh nghiệp lúc này.
Nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất vẫn phải tiếp tục đóng các khoản chi phí (lương cho công nhân khi nghỉ dịch bệnh, chi phí test COVID-19 phí công đoàn, BHXH). Trong khi đó, giá sản phẩm nông sản giảm sâu khiến sản xuất và thương mại của ngành nông nghiệp, giảm sút cả về lượng và giá trị, giá bán sản phẩm có loại chỉ bằng 30% giá thành.
“Doanh nghiệp nông nghiệp đang kiệt quệ. Hiện, chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35% và hơn 50% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại các tỉnh phía Nam phải ngừng và giảm sản xuất”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay.
Trước tình hình trên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện “3 tại chỗ” để phù hợp với thực tiễn từng loại hình doanh nghiệp; chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vắc xin để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Các lái xe và người trên xe sau khi đã được tiêm phòng 2 mũi vắc xin có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.