Đề xuất giám sát chuyên đề bất động sản và nhà ở xã hội

TPO - Đây là 1 trong 5 nội dung chuyên đề được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao.

Cần thiết giám sát chuyên đề bất động sản và nhà ở xã hội

Chiều 11/4, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về dự kiến các chuyên đề giám sát, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất, đề xuất 7 chuyên đề xin ý kiến để lựa chọn 5 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, có ý kiến cho rằng, việc tiến hành giám sát chuyên đề về bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết, vì cho rằng, việc giám sát phải tập trung vào những vấn đề vừa có tính bức thiết của đời sống kinh tế-xã hội, vừa có tính cơ bản, lâu dài mà không phụ thuộc vào tiến độ xây dựng pháp luật.

Ngược lại, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nên việc tiến hành giám sát chuyên đề này trong năm 2024 là không phù hợp.

Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, hiện nay, bất động sản và nhà ở xã hội đều là những vấn đề cấp bách nổi lên trong thực tiễn cần tăng cường giám sát. Đây cũng là 1 trong số 5 chuyên đề được đa số thành viên Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan lựa chọn. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị giữ như dự kiến; đồng thời, điều chỉnh tên chuyên đề thành: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến cho rằng, không nên lựa chọn chuyên đề 6 về an toàn giao thông, vì cơ quan chủ trì nội dung giám sát là Ủy ban Quốc phòng và An ninh phải chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý nhiều dự án luật trong năm 2023-2024.

Ý kiến khác đề nghị ưu tiên việc giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” thay vì chuyên đề về an toàn giao thông.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, căn cứ kết quả lựa chọn, vấn đề về an toàn giao thông là 1 trong 5 chuyên đề được đa số thành viên Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan lựa chọn; hơn nữa, hiện nay, việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được xem xét, đánh giá một cách toàn diện như: vấn đề đăng kiểm, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe…từ đó tìm ra nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị giữ như dự kiến.

Lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao

Căn cứ nội dung giải trình, tiếp thu, kết quả lựa chọn chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 5 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 4 chuyên đề, cụ thể:

Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, gồm các dự án Sân bay Long Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP. HCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội.