Bộ trưởng hãy dùng trải nghiệm của mình để đề xuất
Những nguồn nào Bộ Tài chính có thể thu? Đầu tiên là việc thu hồi số tiền thuế các tổ chức, cá nhân còn nợ. Theo Bộ Tài chính, con số nợ thuế, tiền phạt ngành Thuế đang quản lý tính đến hết năm 2017 là trên 73.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế nợ trên dưới 90 ngày, có khả năng thu hồi khoảng 46.000 tỷ đồng. Tiếp đến là Bộ Tài chính thực hiện tốt chức năng quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chống lãng phí trong đầu tư dự án của các doanh nghiệp nhà nước.
Với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chắc không quá xa lạ, khi ông từng trải qua các vị trí quản lý tài chính tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Sông Đà và Tổng Cty Viglacera. Theo đó, chỉ tính 583 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn (chưa kể 273 doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối) với tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng (thống kê năm 2016).
Tuy nắm số tài sản khổng lồ, nhưng so với năm 2015, doanh thu của các doanh nghiệp này trong năm 2016 giảm hơn 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm hơn 19.000 tỷ đồng. Chỉ cần hiệu quả làm ăn của các doanh nghiệp nhà nước này bằng năm 2015, ngân sách nhà nước đã có thêm 17.000 tỷ đồng.
Hay, Bộ Tài chính chỉ cần cắt giảm nhanh đội ô tô công đang được “ban phát” cho các đơn vị nhà nước, ngân sách cũng giảm được những khoản chi đáng kể. Hiện cả nước có hơn 37.000 xe công, mỗi xe “ngốn” khoảng 320 triệu đồng/năm (chi phí lương cho tài xế, xăng dầu, bảo dưỡng... chưa tính chi phí mua xe).
Tổng số tiền ngân sách hằng năm chi ra nuôi đội xe này đã gần 12.000 tỷ đồng. Khi thực hiện khoán xe, cắt giảm đối tượng, định mức sử dụng xe công, chắc chắn ngân sách sẽ tiết kiệm được hơn 1/3 số tiền trên. Để giảm căng thẳng ngân sách, ngoài đề xuất Chính phủ cắt giảm bộ máy công chức, chính Bộ Tài chính nên gương mẫu thực hiện trong phạm vi ngành mình.
Ngành thuế hiện có số lượng nhân sự lên tới hơn 43.000 người (ngành có đội ngũ công chức đông nhất so với các ngành khác). Số tiền thuế người dân đóng góp để lại nuôi bộ máy ngành thuế này năm 2018 khoảng 18.000 tỷ đồng (theo quy định, ngành thuế được để lại 1,8% số thu được giao. Năm 2018, dự kiến thu được khoảng 1 triệu tỷ đồng).
Thực tế, có không ít cơ quan thuế, hải quan số thu hằng năm không đủ để nuôi bộ máy cơ quan đó. Thực tế trên có thể thấy, Bộ Tài chính hoàn toàn có các giải pháp (hoặc đề xuất giải pháp) để thực hiện chức năng của mình hiệu quả hơn, cũng làm giảm được căng thẳng về ngân sách, chưa cần tới tăng hoặc thêm thuế mới. Tính đến hết quý I/2018, chi thường xuyên của cả nước đã chiếm tới 76,6% tổng số chi (với 290.000 tỷ đồng).
Cắt giảm bộ máy chi tiêu lãng phí
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh góp thêm giải pháp cho Bộ Tài chính để tăng thu không cần tăng thuế, đó là siết lại các nguồn đang thất thu lớn, dễ thấy. Ông dẫn chứng, như thuế khoán theo hộ kinh doanh đang thấp hơn thực tế, buôn lậu qua biên giới. Điển hình, mới đây 2 cựu cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận bị khởi tố vì tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu trị giá hơn 2.000 tỷ đồng. Theo ông Doanh, hiện kinh tế hộ gia đình chiếm 31-33% GDP, nhưng số tiền nộp ngân sách của kinh tế hộ gia đình lại rất nhỏ bé.
“Dù chưa có số liệu chính xác về đóng góp của kinh tế hộ gia đình, song có tính toán cho thấy, số hộ kinh doanh chỉ chiếm khoảng 0,8% số thu ngân sách nhà nước, số còn lại đi đâu? Kinh tế hộ gia đình tới nay vẫn nộp thuế khoán, hoạt động không biên lai, chứng từ. Có những điều tra cho thấy, dù kinh tế hộ đóng góp ngân sách ít, nhưng lại phải nộp rất nhiều chi phí không chính thức cho chính quyền cấp phường và quận. Vì thế cần xử lý các khoản thu này”, ông Doanh nhấn mạnh. Cuối năm 2017, ngành thuế mới rà soát sơ bộ với các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, đã giúp tăng thu thuế gần 5.000 tỷ đồng.
Do đó, việc siết lại các nguồn thu sẽ giúp cải thiện ngân sách và chưa cần tới tăng thu. Tăng thuế lên quá cao sẽ khiến người dân không còn tích lũy, không còn vốn đầu tư để cải thiện thu nhập, trong khi người khác lại tìm cách trốn thuế. “Cách tốt nhất hiện nay là giảm chi, cắt bỏ những bộ máy chi tiêu lãng phí chứ không phải là tăng thu thuế như đề xuất của Bộ Tài chính”, ông Doanh nói.
Với việc công bố đề xuất Dự thảo Luật Thuế Tài sản, chỉ tính từ cuối năm 2016 tới nay, Bộ Tài chính đã liên tục đề xuất mới và sửa đổi với 7 sắc thuế khác nhau (hầu hết là tăng thuế), gồm: Tăng thuế bảo vệ môi trường (chủ yếu thu từ xăng dầu, tăng lên kịch khung hiện hành là 4.000 đồng/lít xăng, và đề xuất tăng khung lên 8.000 đồng/lít xăng); tăng thuế giá trị gia tăng (lên 11% hoặc 12%); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; tăng thuế thu nhập cá nhân (sửa lại khung giúp tăng thu và tăng thuế trúng thưởng lên 20-30%); tăng thuế tài nguyên và nay là thuế tài sản. Bộ chỉ đề xuất giảm duy nhất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Anh Lê Anh Dũng, hiện đang ở căn nhà mới xây 3 tầng trên lô đất rộng 75m2 trong ngõ trên phố Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), với đề xuất thuế tài sản của Bộ Tài chính, anh Dũng tính toán: Hiện giá đất trong ngõ (vị trí 2) đường Xuân Thủy, theo đơn giá của UBND Hà Nội là 21 triệu đồng/m2, với mức thuế 0,4%, mỗi năm anh Dũng mất 6,3 triệu đồng; Với phần nhà trên đất, tổng mặt sàn của nhà anh dũng là 225m2, giá nhà theo đơn giá của UBND Hà Nội là 7,44 triệu đồng/m2, tổng giá trị phần nhà là hơn 1,67 tỷ đồng, sau phần định mức không tính thuế là 700 triệu đồng, phần vượt còn lại anh Dũng sẽ phải đóng 3,8 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu tính theo mức thuế trong Dự thảo Luật Thuế Tài sản, anh Dũng phải nộp ngân sách 10,1 triệu đồng/năm (trong khi hiện tại gia đình anh chỉ mất thuế đất 472 nghìn đồng/năm).
Cùng một căn nhà phố (đất và nhà trên đất), người dân sẽ phải nộp 4 khoản lớn vào ngân sách, gồm: Tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (trong hạn mức là 0,003%), lệ phí trước bạ (khi làm sổ đỏ, sổ hồng 0,5%). Một số khoản nhỏ hơn khi giải quyết thủ tục sổ đỏ, gồm: Lệ phí cấp sổ đỏ, sổ hồng; phí đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định cấp sổ đỏ, phí địa chính. Ngoài ra, nếu sang nhượng sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá trị hợp đồng.
Ngoài các khoản trên, tương lai đất đai sẽ chịu thêm một số khoản thuế mới. Năm 2017, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng với các trường hợp sang tên sổ đỏ, sổ hồng (sang nhượng, thừa kế, hiện 10% và đang đề xuất tăng lên 12%). Nay Bộ Tài chính đề xuất thay thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bằng thêm thuế tài sản với mức tăng gấp 10 lần mức hiện hành (tính riêng từng phần với đất và nhà trên đất mức 0,3 hoặc 0,4%). Theo các chuyên gia, những điều trên là minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng thuế chồng thuế hiện nay.