Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang gấp rút hoàn thiện dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để kịp trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, cơ quan soạn thảo đề án đề xuất nhiều chính sách đặc thù trong quá trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.
Với nhu cầu sử dụng khoảng 10.800 ha đất, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đề án kiến nghị cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu (tư vấn, phí tư vấn, xây lắp) thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.
Đề án đề xuất chính sách rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị quanh nhà ga, tăng cường phân cấp cho các địa phương tham gia vào quá trình thực hiện dự án.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển công nghiệp đường sắt, đề án đề xuất tạo cơ chế đặc thù cho phép chủ đầu tư các dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được yêu cầu tổng thầu, nhà thầu chuyển giao công nghệ; chủ đầu tư được đặt hàng các doanh nghiệp trong nước cung cấp phương tiện, thiết bị có thể sản xuất trong nước. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục phương tiện, thiết bị được đặt hàng và các doanh nghiệp được đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Trong hồ sơ mời thầu gói thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) được bổ sung tiêu chí, nguyên tắc ràng buộc nhà thầu nước ngoài về tỷ lệ sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước, việc liên doanh, liên kết và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Hợp đồng EPC kèm theo điều kiện cam kết sử dụng một tỷ lệ nhất định hàng hóa, dịch vụ trong nước, ưu tiên các nhà thầu có khả năng thu xếp nguồn vốn vay đầu tư hạ tầng với chi phí vốn phù hợp (kèm theo cam kết của Chính phủ cho vay).
Phần phương tiện có điều kiện ràng buộc về chuyển giao công nghệ, đào tạo vận hành, bảo trì trong 5 năm, liên danh với các doanh trong nước lắp ráp khoảng 30 - 40% số lượng toa xe cung cấp, đồng thời bổ sung các sản phẩm, vật tư, thiết bị thuộc công nghiệp đường sắt cần ưu tiên vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam làm cơ sở được hưởng các chính sách ưu đãi.
Theo Bộ GTVT, mục tiêu hướng đến hình thành tổ hợp các doanh nghiệp trong nước để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển, làm chủ công tác vận hành, bảo trì, từng bước sản xuất các linh kiện, thiết bị thay thế, hệ thống thông tin, tín hiệu, lắp ráp và đóng mới toa xe.
Dự kiến, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ là đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành và khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến; được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư. VNR sẽ hình thành 2 doanh nghiệp: Một doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và một doanh nghiệp tiếp nhận phương tiện đầu tư từ dự án để kinh doanh vận tải.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, sau khi đưa vào khai thác toàn tuyến 3 năm, doanh thu từ vận tải có thể cân đối cho chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, bảo trì kết cấu hạ tầng và trả phí hạ tầng cho nhà nước.
Năm 2036 doanh thu ước tính từ tuyến đường sắt tốc độ cao đạt khoảng 1,79 tỷ USD; chi phí vận hành khai thác, bảo trì khoảng 0,77 tỷ USD (trong đó vận hành, bảo dưỡng phương tiện 0,5 tỷ USD; bảo trì 0,27 tỷ USD; dự kiến trả phí thuê hạ tầng là 0,14 tỷ USD).