Chuyên đề: Báo động về thực trạng dinh dưỡng trẻ em - Bài 3:

Để trẻ phát triển toàn diện

TP - Số liệu khảo sát thực trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam đã được công bố và nhận được nhiều sự quan tâm của báo đài và những nhà hoạch định chính sách.
Đừng thờ ơ với thực trạng vì có thể bé đang bị mất cân bằng dinh dưỡng bởi những bữa ăn nhiều tinh bột, dư năng lượng nhưng thiếu vi chất.

Nhưng dường như các bậc cha mẹ vẫn chủ quan và chưa quan tâm đúng mức. Nhìn vào những hình ảnh và thông tin của thực trạng, rõ ràng con bạn có nhiều khả năng nằm trong số đó!

Sai lầm của các bà mẹ nuôi con

Khoa học đã chứng minh, chế độ dinh dưỡng quyết định 37% sự phát triển chiều cao, thể chất của trẻ, hơn cả tính di truyền. Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời ở trẻ nhỏ, trẻ ở lứa tuổi học đường, đóng vai trò nền tảng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ và hợp lý, việc thừa hay thiếu đều không tốt cho sức khỏe.

Đừng thờ ơ với thực trạng vì có thể bé đang bị mất cân bằng dinh dưỡng bởi những bữa ăn nhiều tinh bột, dư năng lượng nhưng thiếu vi chất

Tuy nhiên, trong cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, nhiều bà mẹ hoặc thờ ơ, hoặc quan tâm quá mức dẫn đến những sai lầm. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM), sai lầm thường gặp ở các bà mẹ là quan niệm sai lệch về cân nặng. Với các mẹ, trẻ “mũm mĩm” đồng nghĩa với khỏe mạnh. Chưa kể kiến thức về dinh dưỡng của các mẹ chưa “chuẩn”, ít cho con đi khám dinh dưỡng sớm. Mất cân bằng dinh dưỡng rất khó nhận thấy bằng mắt thường, do đó chỉ khám dinh dưỡng mới phát hiện và có hướng điều trị đúng đắn”.

Bên cạnh các thực phẩm tự nhiên, sữa, đặc biệt trong các loại sữa có bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cũng là một trong các nguồn thực phẩm bổ dưỡng dễ hấp thu. Kết quả từ cuộc khảo sát dinh dưỡng gần đây đã chỉ ra có mối liên quan chặt chẽ giữa tiêu thụ sữa/ các chế phẩm từ sữa và khả năng đáp ứng nhu cầu về khẩu phần nhiều vi chất dinh dưỡng, như vitamin A, B, D, can xi… Điều này cho thấy, trong thực đơn và chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nên sử dụng thêm sữa để nâng cao chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn truyền thống.

Còn theo TS – BS Lê Nguyễn Bảo Khanh (Viện Dinh dưỡng quốc gia), vì lo lắng về bữa ăn ở lớp bán trú không đủ dinh dưỡng, nên nhiều bà mẹ thường có tâm lý muốn bù đắp quá mức khi trẻ về nhà. Các bà mẹ ép con ăn thật nhiều, ưu tiên thức ăn giàu đạm, hoặc cho con ăn những gì con thích như nước có ga, thức ăn nhanh, các loại bánh kẹo… mà không quan tâm nhiều đến các nhóm chất dinh dưỡng. Trên thực tế, đồ ăn nhanh thường rất giàu năng lượng, nhưng rất thiếu các vi chất dinh dưỡng. Còn uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể làm tăng đào thải can xi, làm hạn chế phát triển chiều cao, dễ dẫn tới thừa cân, béo phì do hàm lượng đường trong nước ngọt cao.

Trẻ không ăn rau quả dẫn đến tình trạng thiếu các vitamin, khoáng chất thiết yếu, chất xơ. Việc ăn “bù” quá nhiều dồn vào một bữa, nhất là khi phải dồn vào bữa tối sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, dạ dày phải làm việc quá sức, năng lượng tiêu hao thấp hơn so với năng lượng ăn vào. Điều này làm tích lũy mỡ trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì- nguyên nhân tiềm ẩn của các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch gây nguy hại lâu dài cho sức khỏe của trẻ. Vì thế, cuộc Khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là SEANUTS - như ở bài trước đã đề cập) đã chỉ ra ngay cả trẻ em ở cả thành phố và nông thôn của Việt Nam đều rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng hoặc béo phì, và cả hai nhóm trẻ này đều thiếu những vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện.

Đừng thờ ơ với thực trạng, đó có thể là con bạn!

Những số liệu từ kết quả nghiên cứu của cuộc khảo sát SEANUTS cho thấy tình trạng trẻ em thiếu dinh dưỡng vẫn còn cao. Đây là một vấn đề mang tầm quốc gia, đã được rất nhiều cơ quan hữu trách lên tiếng cảnh báo đồng thời đề ra nhiều lời khuyên, nhiều chương trình hành động giúp cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai.

Thực trạng này bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu là người lớn. Rõ ràng, vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng đến việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho con, tạo điều kiện tốt nhất để con mình có thể phát triển một cách toàn diện. Đã đến lúc cha mẹ đừng thờ ơ vì nhiều khả năng con mình đang có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, sự phát triển toàn diện trong tương lai bị ảnh hưởng.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành nhi và dinh dưỡng, ngoài việc hiểu biết về cách chăm sóc con và bổ sung các chất dinh dưỡng đúng cách, các bậc cha mẹ còn nên cho bé hoạt động thể chất thường xuyên để giúp con mình khỏe mạnh và phát triển cân đối. Vận động chính là yếu tố quan trọng, giúp con trẻ khỏe mạnh thông qua việc tiêu hao các nguồn năng lượng đã được dung nạp cũng như kích thích trẻ tích cực bổ sung thêm dưỡng chất mới. Có thể nói, sự kết hợp giữa dinh dưỡng và vận động chính là “bộ đôi vàng” hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.