Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội đánh giá, đề toán nhẹ nhàng, phổ điểm sẽ từ 7-9, có nhiều điểm 10.
Theo thầy Tùng, đây là năm thứ 2 Hà Nội tổ chức thi vào 10 trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Một năm học “đặc biệt” và một đề thi cũng nhẹ nhàng một cách “đặc biệt”. Đề có cấu trúc quen thuộc như mọi năm nhưng do giảm từ 120 phút về 90 phút nên đã được bớt số lượng câu hỏi (Bớt 3 câu hỏi) cho phù hợp với thời gian.
Số câu phân hóa ít hơn năm trước: Chỉ còn 1,5 điểm phân hóa nhưng cũng không sâu lắm (Năm 2020 có khoảng 2,5 điểm phân hóa và mạnh hơn). Phổ điểm chủ yếu sẽ trong khoảng 7 – 9 điểm. Sẽ có nhiều điểm 10.
Điểm yếu của đề thi chính là tính phân hóa yếu do số câu hỏi phân hóa không nhiều và không sâu. Đề mang tính chất chiều lòng người nhiều hơn là để thi tuyển.
Đề thi đã chọn giải pháp quá an toàn. Đề không có yếu tố mới, đổi mới theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực, không có hơi thở của thực tiễn. Đề đi vào lối mòn, giết chết sự sáng tạo.
Cụ thể, bài 1 là bài toán tính giá trị, rút gọn quen thuộc. Cả 2 câu hỏi đề ở mức cơ bản. Bỏ câu hỏi thứ 3 phân hóa như mọi năm. Thí sinh không gặp khó khăn gì.
Bài 2, ý 1 là bài toán năng suất giải bằng cách lập phương trình, hệ phương trình. Đây là bài toán học sinh được thực hành rất nhiều trong quá trình học và ôn thi.
Ý 2 là bài toán tính diện tích xung quanh của hình trụ. Bài chỉ ở mức độ thông hiểu.
Bài 3 ý 1 cho đơn giản. Dạng bài này cũng rất quen thuộc với học sinh.
Ý 2: Bài toán tương giao của đồ thị hàm số quy về phương trình bậc 2 có sử dụng định lý Viét. Đây là bài toán chủ đạo trong học kỳ 2 của lớp 9.
Bài 4: Hình học
Ý 1: Chứng minh tứ giác nội tiếp đường tròn. Câu hỏi dễ vì đã có 2 góc đối diện bằng 90 độ.
Ý 2: Chứng minh đoạn thẳng bằng nhau. Học sinh chỉ cần chứng minh hai tam giác vuông bằng nhau CMP = CAN là được. Việc chứng minh trung điểm I có phân hóa hơn, học sinh cần sử sụng tam giác PCN, MCA cân tại C để có tứ giác MPCI nội tiếp, từ đó chứng minh CI vuông góc CN suy ra I là trung điểm PN.
Bài 5: Tìm giá trị nhỏ nhất
Bài này dễ thở hơn mọi năm do biểu thức có tính đối xứng. Từ (a + b)^2 – 2ab = 2 ta rút ab theo (a + b)^2 rồi đặt t = a + b (t thuộc [-2; 2]).
Bài toán quy về tìm GTNN của tam thức bậc 2 trên một đoạn. Các học sinh học lực giỏi đều không gặp khó khăn.
Thầy Tùng cho rằng, đề thi đóng được vai trò là một bài kiểm tra để lấy điểm nhưng chưa hoàn thành vai trò đề thi tuyển. “Do cách thi quyết định cách học nên đề thi đơn điệu như thế này sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học, làm chậm quá trình tiếp cận sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới. Về phương diện này, Hà Nội đã đi sau một số tỉnh gần chục năm rồi”, thầy Tùng nói.
Nhiều giáo viên khác cũng nhận định, nhìn chung về cấu trúc đề năm 2021 về cơ bản không có sự thay đổi so với năm 2020. Đề thi vẫn tập trung chú trọng đánh giá các yêu cầu về kiến thức, yếu tố thực tế chưa chiếm tỉ lệ cao. Đề thi giảm về độ khó và giảm bớt 1 số ý trong câu hỏi cho phù hợp với tính hình thực tế.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường , Giáo viên môn Toán, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội, cấu trúc đề thi và các dạng giống như các năm gần đây. Tuy nhiên số lượng câu hỏi trong đề thi năm nay đã giảm bớt đáng kể do thời gian thi chỉ còn 90 phút, đặc biệt giảm một số ý mang tính phân loại học sinh.
"Nhìn chung với đề thi này là phù hợp với thời lượng 90 phút và vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh. Phổ điểm chung mà học sinh có thể đạt được là 7 điểm. Tuy nhiên với những học sinh ôn tập bài bản và kỹ thì điểm 8-9 thì các em hoàn toàn có thể đạt được", thầy Cường nói.
Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán, trường THCS Archimedes Academy (Hà Nội) cũng đánh giá, đề thi đã được giảm bớt 2 ý vận dụng thường thấy trong cấu trúc đề thi: Bài 1c (căn thức) và Bài 4 (câu hình ý c) và giảm mức độ khó của các ý còn lại. Đó là những đơn vị kiến thức đòi hỏi nhiều thời gian suy nghĩ. Với cấu trúc đề thi như thế này, vẫn đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và hai ý vận dụng còn lại (một phần ý 2 của bài 4 hình và bài 5), cũng đủ phân loại học sinh giỏi trong khoảng thời gian giới hạn 90 phút. Hai ý phân loại năm nay ở mức vừa phải so với mọi năm.
Ý hình nếu học sinh nhận ra đường thẳng Simson thì sẽ làm khá nhanh, còn bài 5 cũng là dạng quen thuộc với nhiều học sinh giỏi. Thầy Quang cũng có lời khuyên cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 9: “mặc dù về hình thức thi thay đổi, nhưng kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước. Như vậy, các em năm sau vẫn bám sát vào cấu trúc đề thi các năm trước, lấy các dạng bài đó làm trọng tâm ôn tập.