Đề thi Cao đẳng cũng ra theo hướng mở

Ngày 14-7, thí sinh (TS) cả nước sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi cao đẳng (CĐ). Năm nay kỳ thi này vẫn tiếp tục theo phương thức “ba chung” nhưng có nhiều cải tiến liên quan đến quyền lợi TS.

Đề thi Cao đẳng cũng ra theo hướng mở

> Tiếp tục ra đề thi theo hướng mở, thời sự

Ngày 14-7, thí sinh (TS) cả nước sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi cao đẳng (CĐ). Năm nay kỳ thi này vẫn tiếp tục theo phương thức “ba chung” nhưng có nhiều cải tiến liên quan đến quyền lợi TS.

Trong 2 đợt thi ĐH, thí sinh quan tâm đến cách ra đề thi mở của Bộ GD-ĐT. Theo lãnh đạo Bộ, khuynh hướng này cũng có ở kỳ thi CĐ sắp tới. Ảnh: Đào Ngọc Thạch .

Đề cập đến những vấn đề nóng

Trao đổi về hướng ra đề trong kỳ thi CĐ sắp tới, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD - cho biết: "Quan điểm chung của Bộ là đề thi bám sát chương trình phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12, đảm bảo kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS. Đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của học sinh.

Với nguyên tắc đó, đề thi sẽ ra để đảm bảo những học sinh trung bình, trung bình khá có thể làm được khoảng từ 4-6 điểm, học sinh khá có thể được 6, 7 điểm; còn để đạt được điểm 8, 9, 10 phải là học sinh có học lực giỏi".

Trả lời câu hỏi về việc đề thi có tiếp tục ra theo hướng mở hay không, ông Nghĩa nói: “Đề thi mở là hướng được xác định nhiều năm và sẽ tiếp tục được thực hiện để tránh học sinh học vẹt, học tủ. Những đề thi mở cũng sẽ đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội mà học sinh quan tâm”.

Nhiều cơ hội xét tuyển

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - cho biết: “Điểm mới của kỳ thi năm nay là các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển. Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường không hạn chế số đợt xét tuyển, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước, trên nguyên tắc: Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn; bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30.11 hằng năm”.

Như vậy, TS dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường đã đăng ký nguyện vọng thì được trường tổ chức thi cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi CĐ. TS được quyền sử dụng giấy chứng nhận gốc hoặc bản sao công chứng để xét tuyển tùy theo quy định của từng trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những TS tham gia kỳ thi này, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 mà có điểm đạt mức tối thiểu (điểm sàn của kỳ thi CĐ) thì có được tham gia xét tuyển vào hệ CĐ của các trường ĐH hay không, ông Bùi Anh Tuấn thông tin: “TS dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ để đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định’’.

Như vậy TS có điểm sàn kỳ thi CĐ sẽ có cơ hội được xét tuyển vào hệ CĐ của các trường ĐH. Tuy nhiên trên thực tế những năm thi chung, nhiều trường ĐH chỉ lấy nguồn tuyển là những TS tham gia thi ĐH.

Trả lời về việc như vậy có khiến TS thi CĐ bị thiệt, một cán bộ của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho hay việc xét tuyển đối tượng TS nào sẽ do các trường quyết định.

Bộ chỉ quy định: Đối với một trường CĐ, hoặc hệ CĐ của trường ĐH nếu còn chỉ tiêu xét tuyển thì các trường thông báo điều kiện nhận hồ sơ trong đó phải công bố đối tượng xét tuyển là những TS nào. Căn cứ trên chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ xác định mức điểm trúng tuyển cho từng đối tượng.

Tuy nhiên, TS cần lưu ý giấy chứng nhận kết quả thi ĐH được dùng để xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ có cùng khối thi, trong vùng tuyển. Còn giấy chứng nhận kết quả thi CĐ thì chỉ được dùng xét tuyển vào các trường CĐ có cùng khối thi, trong vùng tuyển và còn chỉ tiêu, hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển đã được các trường công bố công khai.

Theo Vũ Thơ
Thanh Niên

Nhiều biện pháp ứng phó quy định mang máy ghi âm, ghi hình

Theo quy chế tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT sửa đổi, năm nay Bộ GD-ĐT có chủ trương khuyến khích TS, những người tham gia công tác tuyển sinh và quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh.

Trong 2 đợt thi ĐH, các trường ĐH có nhiều cách ứng phó với quy định cho phép TS mang máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không được truyền thông tin ra ngoài phòng thi.

PGS-TS Bạch Văn Hợp - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết: “Nếu phát hiện TS nào mang các thiết bị này vào, cho dù nằm trong danh mục cho phép, trường cũng đề nghị TS đó ở lại phòng thi, đến hết giờ thi mới được ra ngoài”.

Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - nêu rõ: “Trường có yêu cầu TS kê khai tính năng của thiết bị nếu có ý định sử dụng trong phòng thi và làm cam kết là đã hiểu về quy chế của Bộ GD-ĐT”.

Trong khi đó, PGS-TS Mai Hồng Quỳ cũng cho hay mỗi điểm thi của trường đều được tăng cường 2 kỹ thuật viên công nghệ thông tin để giám sát chuyện này.

Giám thị chỉ có nhiệm vụ coi thi và khi phát hiện có TS sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ báo với giám sát để kiểm tra. Trường cũng nhắc nhở TS nữ búi tóc cao để hạn chế việc đeo tai nghe của các thiết bị này.

Theo V.Thơ - Đ.Nguyên
Thanh Niên

 
Theo Đăng lại