Đề mở, thưởng điểm thế nào?

TP - Thông tin về việc thưởng điểm cho những sáng tạo ngoài đáp án của thí sinh được phát ra từ Bộ GD&ĐT làm xôn xao dư luận. “Cứ có cách làm hay là được thưởng và không có giới hạn. Trong trường hợp Hội đồng chấm thi khó xác định thì có thể báo cáo về Ban Chỉ đạo tuyển sinh để xem xét”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói.

> Bài giải môn Sinh, tiếng Anh, Lịch sử, Toán, Địa lí
> Thí sinh bị đình chỉ thi chủ yếu vì điện thoại

Giám khảo lơ là, thí sinh mất điểm thưởng

Đó là một trong những bật mí của ông Vũ Quang Hiển (khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội-Nhân văn, ĐHQG HN). Ông Hiển cho biết, trong hướng dẫn chấm gợi ý một số tiêu chí thưởng điểm như sau: ý đúng nhưng không có trong đáp án (vì đáp án chỉ là tối thiểu); tuy nhiên, tổng điểm, cả thưởng không quá 10 điểm.

Ví dụ: bài thi của thí sinh (TS) được 9 điểm, được thưởng 1 điểm thành 10 điểm, nhưng, nếu được thưởng 2 điểm thì vẫn chỉ là 10 điểm. Quy định thứ hai của quy chế là: TS có cách làm bài khác nhưng làm đúng cũng được thưởng điểm. Còn một trường hợp ngoại lệ nữa là thí sinh bị lỗi 1 ý trong câu hỏi 3 điểm so với đáp án, nhưng lại làm thêm được 1 ý vượt đáp án thì cũng được chấm điểm tuyệt đối cho câu hỏi thi đó.

Ông Quang Hiển đánh giá: Việc phát hiện, đánh giá được ý độc đáo, sáng tạo trong bài làm của thí sinh hoàn toàn phụ thuộc vào người chấm trong một hội đồng và các hội đồng khác nhau. Hội đồng nào năng lực trình độ không tốt hoặc chấm máy móc, chấm vẹt... đều có thể sẽ không phát hiện, không cho điểm sáng tạo cho bài làm của thí sinh.

Khoa học xã hội không chấm điểm tuyệt đối

Đó là khẳng định của ông Hoàng Hồng (Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội-Nhân văn, ĐHQG HN). Ông Hoàng Hồng nói: Trong mấy chục năm chấm thi, ông không thấy hiện tượng này. Ví dụ, câu đáng 1,5 điểm, không cho đến 1,5; câu đáng 10 điểm, chỉ cho 9 điểm. Nếu thí sinh làm bài có ý hay, cách thưởng điểm chỉ là cho tuyệt đối trong khung điểm đó, ví dụ điểm tuyệt đối của câu hỏi là 1,5 thì làm hay sẽ được cộng điểm thưởng thành 1,5 điểm!

Làm sao để công bằng, chính xác?

Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội Đặng Thu Thủy nêu ý kiến: Bài thi môn Văn được đánh giá cao thường phải sáng tạo, viết có cảm xúc hoặc như giám khảo nói vui là ngửi thấy hơi văn! Việc cộng điểm cũng linh hoạt, cô Thu Thủy nói, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể có một phần chủ quan của người chấm, nhưng phải bám theo biểu điểm của đáp án và mức điểm thưởng cũng hạn chế.

Tuy nhiên, cô Thu Thủy cũng cho rằng, chấm chính xác, khách quan đến 100% là khó và quy chế chấm Văn cũng cho phép xê dịch, chênh lệch 2,0 điểm.

Cũng như các giám khảo khác được hỏi, cô Thu Thủy cho rằng, có một khâu rất quan trọng là chấm mẫu, khi các hội đồng chọn ra một số bài ngẫu nhiên và đa dạng để chấm thử và đó là sự định hướng rất tốt cho hội đồng chấm.

Để công bằng, khách quan, theo cô Thu Thủy, người tham gia chấm tuyển sinh phải qua tuyển chọn đủ chuẩn để làm công việc này chứ nhất định không được chọn theo kiểu xô bồ! Ông Vũ Quang Hiển đề xuất phương án: Nếu thấy điểm của bài làm của mình chưa được chấm chính xác, TS có thể làm đơn xin chấm phúc khảo. Khi chấm lại, chênh 0,25 hoặc 0,5 điểm đều được nâng lên!

Theo Báo giấy