Để học sinh không sợ môn toán
> Ngổn ngang nỗi lo dạy toán bằng tiếng Anh
> 10 trường dạy toán bằng tiếng Anh
Học sinh không sợ học toán nếu thay nhồi nhét kiến thức hàn lâm như hiện nay bằng việc chú trọng tới những bài toán có tính ứng dụng vào đời sống.
Học để biết vận dụng
Tôi hiểu rằng trẻ em không hề ghét toán nhưng chính cách tiếp cận toán học mà chúng ta đang thực hiện mang đến nỗi sợ hãi lớn hơn về toán cho trẻ
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Tại Hội thảo về đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015 được tổ chức mới đây, tiến sĩ Phan Thị Luyến, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhận định: “Nhìn chung, giáo viên và học sinh (HS) vẫn chưa khắc phục được nhận thức, thói quen dạy học truyền thống, nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành ứng dụng. Cách dạy nhồi nhét kiến thức vẫn còn phổ biến… do đó bài học thường nặng nề, HS học một cách thụ động, sau khi học nhiều em chưa thể tự giải được bài tập”.
Bà Luyến dẫn chứng: “Các đề thi môn toán hiện nay rất ít bài có nội dung thực tiễn. Điều này dẫn đến hậu quả là giáo viên không chú trọng dạy cho HS cách giải quyết các bài toán thực tiễn”.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Với kinh nghiệm lâu năm, tôi hiểu rằng trẻ em không hề ghét toán nhưng chính cách tiếp cận toán học mà chúng ta đang thực hiện mang đến nỗi sợ hãi lớn hơn về toán cho trẻ”.
Với mong muốn giúp trẻ thoải mái khi học toán, biến toán trở thành công cụ hỗ trợ thành công của các em chứ không phải biến các em thành nô lệ toán học, tiến sĩ Cẩm Thơ đề xuất: “Mục tiêu dạy toán phổ thông nên hướng tới là “học để biết vận dụng và khẳng định giá trị bản thân”.
Cụ thể dạy học toán phổ thông phải đạt những năng lực như: lập luận logic trong giải toán; giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ toán; vận dụng kiến thức toán để giải quyết các tình huống có vấn đề.
Học theo sở thích và năng lực
Theo dự thảo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, môn toán vẫn là một trong 4 môn học bắt buộc đối với tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 12.
Phó giáo sư Trần Kiều và nhóm nghiên cứu đề án đổi mới giáo dục phổ thông, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng: “Trong dự kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 sẽ quán triệt tinh thần “toán học cho mỗi người”, nghĩa là ai cũng cần học toán nhưng mỗi người có thể học toán theo những cách khác nhau, tùy theo sở thích và năng lực cá nhân”.
Đây cũng là điều bức xúc hiện nay khi mà việc dạy phân hóa vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, còn thực tế, giáo viên vẫn dạy học đồng loạt, không coi trọng đến khả năng tiếp thu của từng đối tượng HS.
Nhóm nghiên cứu đề xuất mục tiêu cụ thể của môn toán sẽ có hai giai đoạn: giai đoạn cơ bản (bao gồm cấp tiểu học và THCS) và sau cơ bản (cấp THPT).
Mục tiêu của việc dạy môn toán là phải gần gũi với cuộc sống nhiều hơn, trong đó có nhấn mạnh khả năng ứng dụng rộng rãi của toán học trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
HS biết cách làm việc có kế hoạch, cẩn thận, chính xác, có thói quen tò mò, thích tìm hiểu, khám phá; biết cách học độc lập với phương pháp thích hợp cùng những kỹ năng cần thiết, trong sự hợp tác có hiệu quả với người khác.
Riêng đối với giai đoạn sau cơ bản, nhóm nghiên cứu đề xuất việc tổ chức phân hóa sẽ đạt mức độ cao. Mỗi người học theo định hướng nghề nghiệp sẽ chọn lựa nội dung học tập thích hợp.
Chính vì vậy việc dạy học môn toán phải có các chương trình cùng tài liệu giáo khoa khác nhau với những mục tiêu riêng theo hướng phục vụ trực tiếp cho việc học tập tiếp theo của HS.
Giáo sư Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Trong dạy học bộ môn toán, ngoài cách tiếp cận hàn lâm, coi trọng tính logic của toán học như một khoa học suy diễn, cần chú ý đến cách tiếp cận dựa trên vốn kinh nghiệm, trải nghiệm của HS”.
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên