ĐBQH đề nghị có hành lang pháp lý để dạy thêm, học thêm

TP - Nhiều bất cập trong dạy thêm, học thêm được các đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu ra khi cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 5/4

Phản ánh tình trạng quá tải trong dạy thêm, học thêm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Nếu đã thực hiện đủ chương trình giáo dục, vậy có cần dạy thêm, học thêm không? Đại biểu cho rằng, nên có hành lang pháp lý để điều chỉnh việc dạy thêm, vì nhiều khi nội dung bài dạy chính trên lớp lại được mang vào các buổi dạy thêm. 

Theo bà Hải, điều này còn liên quan đến đạo đức nhà giáo, chưa kể việc quản lý dạy thêm ra sao vẫn còn đang bỏ ngỏ. Trong khi đó, lại xảy ra nhiều hệ lụy xã hội trong giờ dạy thêm, điển hình như vụ thầy giáo tại Bắc Giang uống rượu và có hành vi không đúng mực với học sinh. Bà Hải đề nghị cần có tiêu chuẩn quy định quyền nhà giáo được làm như thế nào và có sự giám sát ở các buổi học thêm.

Chung quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu bất cập tại một số địa phương có tình trạng giờ học thêm dạy kiến thức chính, còn giờ học chính lại dạy kiến thức khác. Các cháu phải đi học thêm vì nếu không thi chỉ được 5 điểm, còn học thêm thì được 8 điểm.

Theo bà Thủy, trước đây học thêm chỉ dành cho học sinh kém, giáo viên tổ chức phụ đạo trước khi thi, hay phụ đạo để thi đội tuyển, nhưng hiện nay diễn ra quanh năm. Bà Thủy cho rằng, quy định cấm ép buộc học sinh để thu tiền chưa bao quát hết mà phải quy định cấm cố ý không dạy hết kiến thức trong giờ học chính để tổ chức dạy thêm.