Đầu tư vào điện ảnh Việt là điều đúng đắn

TP - Trở về từ LHP Quốc tế QCinema lần thứ 12 (Philippines) với vai trò giám khảo hạng mục Asian Next Wave (Làn sóng mới của châu Á), nhà phê bình điện ảnh Nguyên Lê trò chuyện với Tiền Phong về câu chuyện điện ảnh Việt trên trường quốc tế.

+ Sau khi đã giành nhiều giải thưởng tại các LHP danh giá trên thế giới, tại LHP Quốc tế QCinema lần này, những bộ phim của Việt Nam lại thắng lớn, như Cu li không bao giờ khóc giành giải Ban giám khảo NETPAC cho phim Đầu tay châu Á Xuất sắc nhất, Mưa trên cánh bướm - giải Đặc biệt của Ban giám khảo thuộc hạng mục Asian Next Wave...

Mới đây 25/11, Cu li không bao giờ khóc lại thắng hạng mục Phim truyện dài xuất sắc tại Lễ trao giải Sharjah Film Platform (UAE). Theo anh, điều gì khiến điện ảnh Việt Nam năm nay tạo được sự cộng hưởng mạnh mẽ với khán giả quốc tế?

- Nguyên Lê: Riêng tôi thấy rằng các phim của Việt Nam năm nay tạo được tiếng vang do đằng sau những nhân tố Việt có mặt trong phim là bạn bè quốc tế, những nhà đầu tư, và thậm chí là những nhà sáng tạo quốc tế sẵn lòng ủng hộ tầm nhìn và hướng đi của những nhà sáng tạo Việt. Để phát triển hơn nữa thì mình cần phải có sự ủng hộ, giúp đỡ, và thúc đẩy, và để đạt được hiệu quả cao nhất thì nó phải đến từ bạn bè quốc tế.

Giám khảo Nguyên Lê (bên phải) giây phút trao giải Đặc biệt của BGK thuộc hạng mục Asian Next Wave cho phim Mưa trên cánh bướm. Ảnh: QCinema

Và quan trọng hơn nữa, những nhà đầu tư và bạn bè quốc tế này vừa phải cùng ý tưởng sáng tạo như những người Việt Nam trong ekip, và họ phải đủ tôn trọng để đưa dấu ấn Việt trong những dự án này lên hàng đầu.

Tại LHP này, nhiều người chia sẻ với tôi, rằng điều khiến họ thích thú, đó là các nhà làm phim Việt khá tài tình ở chỗ nhận được sự hợp tác, về mặt tài chính hay thậm chí là sáng tạo, nhưng ta vẫn biết kể được câu chuyện của nước mình.

+ Nhân đang nói về tính chất Việt, thưa anh, chiến thắng của những bộ phim trên phản ánh gì về những câu chuyện mang tính cá nhân và lịch sử tập thể mang bản sắc Việt?

- Nguyên Lê: Toàn bộ ekip của những bộ phim thắng các giải quốc tế gần đây đều chứng minh được nét Á Đông của người Việt. Ngôn ngữ điện ảnh mà ekip của các phim sử dụng đều như muốn nói: “Đây là tôi!…”. Nhưng nó còn một vế sau quan trọng khiến phim của họ trở nên riêng biệt so với khá nhiều phim Việt khác, đó là: “Đây là tôi, nhưng tôi cũng chừa chỗ cho bạn tham gia để bạn tìm hiểu tôi thêm”.

Một khái niệm trong nghề tôi hay nghe đến là tính “local” (địa phương) và “global” (toàn cầu), và “local” ở đây là những cái yếu tố rất đặc trưng của Việt Nam. Tuy nhiên cách sắp xếp, lồng ghép, và ngôn ngữ điện ảnh được sử dụng để biểu đạt tính chất địa phương lại mang tính toàn cầu. Cho nên khán giả Philippines hoặc khán giả quốc tế tham dự LHP khi xem phim sẽ tiếp cận được những yếu tố thật sự là Việt Nam. Nhưng họ vẫn thấy có “lối riêng” dành cho mình, thay vì chịu một cảm giác rằng những bộ phim này chỉ dành cho khán giả Việt.

+ Giám khảo và Ban tổ chức của LHP QCinema có nhận xét gì về Làn sóng mới của điện ảnh Việt, và những đại diện phim Việt?

- Nguyên Lê: Mọi người tại đây đều nói với tôi, là “trong nền điện ảnh các nước Đông Nam Á hiện tại thì Việt Nam đang rất khởi sắc”. Ý họ nói điện ảnh của ta đang tăng trưởng về tốc độ cũng như về năng lượng. Tuy nhiên, một vài người cũng chia sẻ cặn kẽ hơn, là mặc dù điện ảnh Việt đang trên đà phát triển thật sự, nhưng ta nên cân nhắc hơn về chất lượng. Họ muốn thấy mình dùng năng lượng và tài nguyên sẵn có và sắp có để phát triển điện ảnh nhiều hơn là content màn ảnh rộng.

Nhìn chung, những người tôi gặp tại LHP lần này cho rằng có một người láng giềng như ta mang một nền điện ảnh năng động và luôn tràn đầy năng lượng đến QCinema hoặc nhiều LHP khác trên thế giới là một tín hiệu đáng mừng. Họ nhận thấy sự hợp tác và đầu tư vào điện ảnh Việt là đúng đắn, và họ cảm thấy mạnh dạn và an toàn để tiếp tục sự hợp tác này trong tương lai.

+ Nhiều người mê phim tại Việt Nam, trong đó có tôi, đang rất tò mò về phim Mưa trên cánh bướm. Xin anh chia sẻ đôi lời về bộ phim này.

- Nguyên Lê: Những bộ phim gây ấn tượng cho tôi tại LHP này may mắn lại nằm trong những phim mà tôi chấm thi. Trong đó có phim Mưa trên cánh bướm của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh.

Mưa trên cánh bướm là một bộ phim đầu tay, và dĩ nhiên điều này sẽ khiến nó mang gánh nặng của riêng nó. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy “gánh nặng” đó qua cách thể hiện và trình bày của đạo diễn Dương Diệu Linh cùng ekip. Phim mang đến một sự nhẹ nhàng và thư thái, nhưng cũng rất nhiều năng lượng bên trong. Những khung hình của phim tạo cảm giác như thể có một thứ gì đó khiến khán giả lúc nào cũng phải tỉnh táo và tập trung ngồi ngay ngắn trên ghế.

Và thêm nữa, cho dù trong phim có những yếu tố có thể được gọi là ảo diệu hay mơ hồ, chị Linh và ekip lại dùng nó để cắt thành những vấn đề rất thật. Tôi thấy điều đó không dễ làm, bởi làm sao để gắn kết giữa sự mơ hồ với thực tế; làm sao để hai yếu tố này trở nên uyển chuyển như hai cánh của một con bướm. Nhưng chị Linh đã làm được, và điều đó thuyết phục gần như toàn bộ khán phòng, ai nấy đều nhiệt liệt vỗ tay khi phim kết thúc.

Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi!