Nhiều hạn chế trong đấu thầu thuốc
Thanh tra tỉnh Hải Dương đã có kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và đấu thầu thuốc chữa bệnh tại BHYT tỉnh, Sở Y tế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2014-2019.
Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Y tế Hải Dương tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp cho địa phương với 3.374 loại thuốc, có giá kế hoạch trên 1.647 tỷ đồng.
Đoàn thanh tra đã kiểm tra 3 gói thầu cho các cơ sở y tế công lập, gồm: Cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền năm 2016-2017; Cung ứng thuốc theo tên biệt dược gốc năm 2018-2019 và gói thầu cung ứng thuốc theo tên Generic nhóm 1 năm 2019-2020. Ba gói thầu này có tổng giá kế hoạch hơn 248 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra, việc xây dựng danh mục thuốc đấu thầu chưa sát với thực tế sử dụng dẫn đến một số loại thuốc chữa bệnh đã đăng ký mua số lượng lớn nhưng thực tế lại mua với số lượng nhỏ. Điển hình tại gói thầu cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền năm 2016-2017; Gói thầu cung ứng thuốc theo tên biệt dược gốc năm 2017-2018. Ngoài ra, còn có loại thuốc các cơ sở y tế công lập trong tỉnh mua vượt khối lượng quy định (>20%).
Thanh tra tỉnh Hải Dương cũng chỉ ra việc đề xuất nhu cầu thuốc tại tỉnh Hải Dương chưa chính xác về số lượng. Cụ thể, nhiều loại thuốc năm trước trúng thầu, sử dụng đạt tỷ lệ thấp, năm sau lại xây dựng kế hoạch với số lượng lớn nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn thấp. Một số loại thuốc năm trước không lập kế hoạch, năm sau xây dựng kế hoạch với số lượng lớn nhưng ít sử dụng.
Cũng theo kết luận thanh tra, công tác xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch, lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu mua thuốc chậm, chưa đáp ứng được tiến độ. Việc này dẫn đến tình trạng các bệnh viện, cơ sở y tế phải mua sắm thuốc bổ sung với số lượng lớn trong khi hết hạn các hợp đồng theo kế hoạch năm trước đến khi có kết quả đấu thầu vào năm sau (gia đoạn 2018-2019). Nhiều loại thuốc chữa bệnh chỉ có một nhà thầu tham dự và trúng thầu do đó chưa có sự cạnh tranh giá.
Về công tác xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công tác tổ chức đấu thầu còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ. Thanh tra tỉnh xác định, việc này dẫn đến các bệnh viện, cơ sở y tế phải mua sắm bổ sung số lượng lớn thuốc (năm 2018-2019).
Chỉ một nhà thầu tham dự
Việc mua thuốc chữa bệnh mà các đơn vị tự thực hiện, kết luận thanh tra xác định có nhiều hạn chế. Theo đó, TTYT huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng không công khai kết quả mua sắm trực tiếp theo quy định. TTYT huyện Gia Lộc mua theo hình thức chỉ định thầu giá cao hơn so với giá trúng thầu đã mua theo kết quả thầu.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng danh mục thuốc đề nghị đấu thầu bổ sung chưa sát thực tế sử dụng dẫn đến một số loại thuốc đã đăng ký mua số lượng lớn nhưng thực mua số lượng nhỏ, như các gói chỉ định thầu các năm 2014-2015, 2015-2016 và 2017-2018.
Cũng theo kết luận thanh tra, trong đấu thầu thuốc chữa bệnh, nhiều loại thuốc chỉ có một nhà thầu tham dự và trúng thầu. Do đó, không có sự cạnh tranh về giá như gói thầu cung ứng thuốc theo tên biệt dược gốc cho các cơ sở y tế công lập.
Sở Y tế tỉnh Hải Dương chưa thường xuyên kiểm tra các đơn vị trúng thầu thực hiện hợp đồng cung ứng với các cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến chưa phát hiện, chưa kịp thời chỉ đạo. Trong đó, một số thuốc do Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 không cung ứng kịp cho TTYT huyện Gia Lộc.
Thanh tra tỉnh Hải Dương kiến nghị Sở Y tế tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót; Chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh khắc phục.