Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong số một trong bệnh lý tim mạch. Bệnh có xu hướng ngày càng tăng ở Việt Nam.
Theo phó giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị tắc một phần hoặc hoàn toàn do nhiều nguyên nhân. Thường gặp nhất là do mảng vữa xơ động mạch vành. Hậu quả là mạch vành không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ôxy cho cơ tim.
Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Đau có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác có một cái gì đó khó chịu trong lồng ngực. Vị trí đau hay gặp là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Đau có thể tại chỗ hoặc lan lên cổ, hàm, vai hay cánh tay bên trái. Cơn đau thường rất ngắn chỉ 10-30 giây hay một vài phút.
Thông thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch.
Khi có biểu hiện bị đau thắt ngực, người bệnh cần nghỉ ngơi ngay lập tức, đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Chỉ cần một gắng sức rất nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Có hai phương pháp điều trị bệnh mạch vành là dùng thuốc và điều trị can thiệp, phẫu thuật.
Để phòng bệnh, nên bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và thích hợp (tốt nhất là một giờ mỗi ngày, ít nhất 3 ngày một tuần), tránh bị stress, ăn giảm muối, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, tránh tăng cân. Điều trị tốt một số bệnh lý có liên quan trực tiếp đến bệnh động mạch vành như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và béo phì.
Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh động mạch vành
Cơn đau thắt ngực với cảm giác bị bó chặt, đè ép ở giữa ngực hay vùng tim, sau xương ức, là dấu hiệu bệnh động mạch vành.
|
Ảnh minh họa: SucKhoeDoiSong |
Theo Theo Vnexpress