Ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng - cho biết: Cách đây hơn 40 năm, cây na đã đến với vùng đất Chi Lăng, từ một giống cây cho quả bình thường, loại quả này phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Chi Lăng đã trở thành loại quả ngon lành, bổ dưỡng nức tiếng.
Na có hai loại: Na dai và na bở được trồng trên núi, nhờ sương trời và đất núi, trái na đạt hương vị thơm ngon nhất khi được trồng trên mảnh đất Chi Lăng lịch sử; đóng góp vào danh sách những đặc sản ngon nức tiếng xa gần của vùng đất Lạng Sơn. Cây na đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con nông dân.
“Để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá và quảng bá rộng rãi thương hiệu na Chi Lăng sẽ được biết đến trong nước và quốc tế, huyện Chi Lăng đã xây dựng chương trình quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” thể hiện quyết tâm đưa na trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân Chi Lăng.
Đến nay trên các xã vùng núi đá của Chi lăng đã phát triển với tổng diện tích hơn 2.500 ha, sản lượng đạt trên 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển na mà nhiều hộ đã có thu nhập khá, thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm, nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có khoảng 60-70% hộ giàu”; ông Vi Nông Trường nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chương trình diễn ra màn Livestream đấu giá na. Trong 9 quả na được đấu giá thì có 2 quả được bán hơn 200 triệu/quả. Tổng số tiền đấu giá 9 quả na thu được trên 800 triệu đồng sẽ được để tiến hành xây dựng 6 cây cầu dân sinh và 2 ngôi nhà hạnh phúc cho gia đình 2 em Lương Thị Ngọc Huyền, trú tại xã Y Tịch huyện Chi Lăng và em Vi Cao Khang, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng.