Đau đớn ê chề vì trót lăn kim làm đẹp da mặt

TPO - Thời gian gần đây, không chỉ có chị em mà khá nhiều nam giới cũng hăng hái tham gia làm đẹp da bằng phương pháp lăn kim. Thế nhưng da có đẹp lên hay không thì chưa thực sự được kiểm chứng, nhưng theo các BS những nguy cơ lớn như nhiễm trùng da, mặt sần sùi như “hố bom”, thậm chí lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như viêm gan B hay HIV là hoàn toàn có thể.
Lăn kim làm đẹp là phương pháp nguy hiểm, có thể nhiễm nhiều căn bệnh chết người. Ảnh minh hoạ: Internet

Càng lăn càng … xấu

Nghe lời rủ rê của bạn, Huyền Trang – cô sinh viên năm hai của một trường thể thao đã rút toàn bộ số tiền tiết kiệm trong mấy tháng đi làm thêm để đăng ký làm trắng da bằng phương pháp lăn kim. Da mặt của Huyền Trang cũng không phải là quá xấu hay đen sạm, nhưng vì là “dân thể thao” nên cô cũng không có nhiều điều kiện để giữ gìn làn da con gái. Vậy nên khi thấy bạn mình cho xem những tấm ảnh với lời quảng cáo “có cánh” về một khuôn mặt với làn da trắng sáng, “đẹp và mịn hơn cả da em bé”, Huyền Trang đã không ngần ngại đăng ký tham da.

Mất gần 10 triệu đồng và 3 ngày đau đớn, Huyền Trang về nhà với bộ mặt sưng vù, lúc nào cũng bịt kín mặt để tránh ánh nắng mặt trời và bụi bẩn. Thế nhưng đã gần 10 ngày trôi qua mà những nốt lăn kim vẫn không khô miệng, đóng vảy và bong ra để lộ “làn da đẹp không tỳ vết” như quảng cáo, mà thay vào đó là những nốt đỏ mưng mủ, rỉ nước, người ngây ngây sốt như cảm lạnh. Đến nước này thì Huyền Trang đành lê bước vào bệnh viện.

Sau khi khám, BS xác định cô bị nhiễm trùng tại các vết lăn kim, phải điều trị bằng kháng sinh liều cao và sau này khó có thể “bảo toàn” được một khuôn mặt lành lặn, không sẹo.

Cùng chung cảnh ngộ nhưng bi đát hơn Huyền Trang là một cô gái 20 tuổi, là sinh viên ở quận 8, TP Hồ Chí Minh. Cũng chỉ vì tin lời quảng cáo rằng lăn kim sẽ chữa trị các vấn đề về da như mụn nhọt, da lão hoá, thâm nám hay sạm đen... nên cô gái đã đăng ký ngay liệu trình lăn kim với mong muốn khuôn mặt đầy mụn của mình sẽ được cải thiện.

Thế nhưng sau khi thực hiện, làn da của cô thậm chí còn hư tổn nghiêm trọng hơn, mụn mọc nhiều hơn, có cảm giác như càng lăn kim lại càng có mụn. Cô gái đến bệnh viện với khuôn mặt sưng tấy, da chảy dịch và mủ, mắt môi sưng húp, ăn uống khó khăn và phải mất hơn một tháng uống nhiều loại thuốc kháng sinh để điều trị. Theo BS da liễu, dù đây chỉ là nhiễm trùng ngoài da nhưng lại ở vùng xoang mặt, dễ dẫn đến viêm não – màng não, nếu không điều trị cẩn thận.

Một nạn nhân của phương pháp lăn kim làm đẹp da. Ảnh: Internet

Tự rước nhiều bệnh nguy hiểm vào người

Lăn kim là phương pháp dựa theo cơ chế tự làm lành vết thương của cơ thể mà dùng 1 bánh lăn với các đầu kim rất bén và siêu nhỏ để tạo tổn thương giả trên da. Sau một thời gian nhất định, vùng da nơi bị lăn kim sẽ bong vảy, đẩy lớp da non mới lên. Khi đó, da mặt trông sẽ mịn màng, các vết sẹo hay thâm nám nhìn cũng có cảm giác mờ nhạt và nhỏ hơn so với khi chưa lăn kim. Thậm chí theo một số clip quảng cáo trên mạng xã hội hoặc được chị em “truyền miệng”, lăn kim còn có thể làm lỗ chân lông bé hơn, da trắng sáng và mờ vết thâm, làm trẻ hóa làn da bằng cách tái tạo lớp da non sau khi lăn.

Thế nhưng theo các BS, đây thực chất chỉ là “ảo giác”, bởi muốn làm trắng da thì trước hết phải hiểu một cách khoa học rằng, màu sắc của da là yếu tố di truyền theo đặc điểm của từng chủng tộc. Và màu da trắng ít, trắng nhiều hay không trắng là do sự có mặt nhiều, ít hay không có của sắc tố da melanin.

Thế nên đã gọi là yếu tố di truyền thì sự can thiệp thay đổi chỉ có tác dụng bên ngoài và tạm thời. Vì vậy, thực chất của việc tắm trắng chỉ là loại bỏ lớp tế bào sừng của da để da có màu sáng hơn và nếu tiêm chích chất làm trắng da như glutathione chỉ để ngăn cản sự tạo thành hắc tố melanin làm cho da bớt đen hoặc không đen trong thời gian tác dụng của thuốc (trung bình 6 tháng) chứ không thể nào thay đổi được làn da chủng tộc.

Giá một lần lăn kim trị mụn là 5.000.000 đồng, dịch vụ trọn gói ba lần 7.500.000 đồng. Trên thị trường hiện nay, còn xuất hiện nhiều “gói lăn” sử dụng kim lăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với giá siêu rẻ để “tương thích” với túi tiền sinh viên.

Khoảng cách giữa các lần điều trị thường kéo dài từ 6 – 8 tuần nhưng nhiều người sốt sắng “rút ngắn” thời gian, khiến các tế bào da chưa kịp tái tạo đã bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm.

 Một sự thật dễ nhận biết cần cảnh báo là lăn kim thường được diễn ra ở các cơ sở làm đẹp thiếu những điều kiện vệ sinh y tế và không có những trang thiết bị cần thiết để xử trí khi gặp tai biến do tiêm chích.

Theo các BS da liễu, tái sử dụng kim khi lăn kim, dù là kim tốt hoặc dùng kim Trung Quốc giá cực mềm, đều ẩn chứa nguy cơ. Với kim tái sử dụng nhiều lần, không đảm bảo chất lượng lại được thực hiện trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, sẽ gia tăng nguy cơ tổn thương và viêm nhiễm, kéo theo hiện tượng sưng tấy da kéo dài, có thể tới vài tuần.

Ngoài ra còn các rủi ro khác: nhiễm trùng, nhiễm HIV/AIDS nếu không vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn bệnh viện. Riêng loại kim trôi nổi, đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi thực hiện trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da làm da sạm đen sau khi lăn. Rất có thể những trường hợp hư tổn trên là do kim lăn không được làn sạch sâu, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập, mặc dù thực hiện với mục đích chữa trị da nhưng lại vô tình khiến da càng thêm hư tổn.