'Đầu độc' 59 cây thông, chỉ xử phạt 11 triệu đồng

TPO - Cho rằng chưa đủ yếu tố xử lý hình sự, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định xử phạt hành chính 11 triệu đồng đối với Hoàng Văn Quân về hành vi phá rừng trái pháp luật.  
Rừng thông bị tàn phá

Ngày 5/11, cơ quan chức năng huyện Lạc Dương cho biết, UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt hành chính về hành vi phá rừng trái pháp luật đối với Hoàng Văn Quân (26 tuổi, ngụ tại phường 12, TP Đà Lạt) với số tiền 11 triệu đồng.

Ngoài việc phạt tiền, Hoàng Văn Quân bị buộc trồng lại toàn bộ diện tích rừng (gần 1.000m2) bị tàn phá tại lô b, khoảnh 3, tiểu khu (TK) 143, thuộc địa bàn xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương).

 Các cơ quan chức năng huyện Lạc Dương cũng vừa tổ chức cưa hạ, thu hồi 59 cây thông bị đầu độc chết đứng tại TK 143 để tổ chức đấu giá.

Cây thông lâu năm, thân thẳng tắp bị đốn hạ

 Như Tiền phong đã đưa tin, phát hiện cánh rừng ven Quốc lộ 27C (đường Đà Lạt-Nha Trang) bị vàng lá, chết hàng loạt, Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường.

Qua kiểm tra ghi nhận có 59 cây thông bị khoan lỗ, đổ hóa chất cho chết dần, trữ lượng lâm sản bị thiệt hại trên 25m3 gỗ, diện tích rừng bị xâm hại gần 1.000m2.  

Cánh rừng ven Quốc lộ 27C bị đầu độc chết đứng.

 Lực lượng chức năng đã khoanh vùng, xác định đối tượng đầu độc 59 cây thông là Hoàng Văn Quân. Quân khai phá rừng thông để lấn chiếm đất sản xuất.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, vì chưa đủ yếu tố xử lý hình sự nên đơn vị tham mưu cho UBND huyện Lạc Dương ban hành quyết định xử phạt hành chính 11 triệu đồng đối với Hoàng Văn Quân về hành vi phá rừng trái pháp luật.

Mức phạt này được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 20, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng với những mức phạt như thế này sẽ không đủ sức răn đe các hành vi đầu độc rừng thông để chiếm đất để sản xuất, mua bán, san nhượng, cất nhà trái phép đang xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn Tây Nguyên; đặc biệt là những cánh rừng ven đường, gần khu dân cư…

Cưa hạ thông tại cánh rừng bị đầu độc để tận thu gỗ.