Rỗng túi vì hóa đơn cao bất thường
Toát mồ hôi hột là trạng thái của anh Vũ Lương (Khương Đình, Thanh Xuân) khi cầm tờ hóa đơn tiền điện tháng 6 với tổng số tiền phải trả lên tới hơn 2,2 triệu đồng. Anh Lương cho biết, đây là mức cao bất thường. “Tháng 4 lượng điện nhà tôi sử dụng chỉ có 417 số (thanh toán hết 932.722 đồng). Tháng 5 thời tiết khá nóng nhưng lượng điện sử dụng cũng chỉ tăng lên tới 481 số điện (thanh toán hơn 1,1 triệu đồng). Các thiết bị điện vẫn sử dụng bình thường thế mà lượng điện sử dụng tăng vọt lên thành 875 kWh trong tháng 6. Thật sự khó hiểu”, anh Lương cho biết.
Không thể xác định được lượng điện sử dụng hằng tháng có được nhân viên ngành điện ghi chính xác hay không là vấn đề khiến anh Nguyễn Thành Hưng (quận Thanh Xuân) khá bức xúc khi chia sẻ về việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Theo anh Hưng, các tháng trước, lượng điện tiêu thụ của nhà anh chỉ ở mức 400 kWh nhưng trong tháng 6 đã tăng vọt lên tới 1.022 kWh. Trong tâm trạng hoài nghi nhưng anh Hưng vẫn phải bấm bụng thanh toán hơn 2,65 triệu đồng cho nhân viên thu tiền điện vì… sợ bị cắt điện.
“Kỳ ghi chỉ số phát hành hóa đơn đối với khách hàng mua điện mục đích sinh hoạt của EVN Hà Nội hầu hết kéo dài từ ngày 5 đến 25 hằng tháng và đa phần rơi vào những ngày cao điểm nắng nóng kéo dài. Do vậy hóa đơn tiền điện tháng 6 hội tụ các yếu tố đột biến dẫn đến khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có sản lượng và số tiền thanh toán sẽ tăng so với tháng trước liền kề, nhiều trường hợp sản lượng tăng từ 1,5 đến 3 lần”.
Đại diện EVN Hà Nội
“Theo tôi, vấn đề chưa ổn nhất hiện nay là giá điện lũy tiến ở bậc 6 đang quá cao, lên tới 2.587 đồng/kWh. Người dân không tin vào cách tính tiền điện là do các công tơ thường đặt ở vị trí rất khó cho việc quan sát chỉ số. Nhân viên ghi số điện có thể ghi sai vô tình hay cố ý. Nếu một hộ gia đình thường dùng ở mức 300 số điện trong tháng 5 và bị ghi tăng thêm 150 số điện nữa là lập tức hóa đơn điện sẽ nhảy từ 600.000 đồng lên 1 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Người dân không biết nhân viên ngành điện đi ghi số lúc nào, ghi đúng hay ghi sai nên chỉ còn cách cắn răng mà chịu”, anh Hưng nói.
Trong cảnh phải thuê nhà, không thuộc diện rủng rỉnh đến mức có điều kiện lắp điều hòa như các hộ gia đình, nhưng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6, chị Minh Phương, nhân viên một tòa báo ở Hà Nội cũng suýt té ngửa khi thấy tiền điện tăng thêm 300.000 đồng. “Nhà tôi đi thuê, không có điều hòa, nhưng không hiểu sao tiền điện lại tăng cao bất thường đến như vậy”, chị Phương thắc mắc.
Đại diện một doanh nghiệp có trụ sở tại đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) cũng khẳng định rất khó hiểu với việc tiền điện của công ty bị nhảy vọt, tăng gần 5 triệu đồng trong khi công ty đã ý thức yêu cầu nhân viên triệt để tiết kiệm điện trong những ngày nắng nóng. Nghi vấn nhà đèn ghi ăn gian số điện từ tháng trước sang tháng sau cũng được đặt ra khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Ẩn số điện bậc thang
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia am hiểu về ngành điện khẳng định, hiện có khá nhiều nước trên thế giới đang áp dụng cách tính biểu giá điện bậc thang như ở Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác của họ là họ xây dựng cách tính giá điện hợp lý và có nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng. “Ở các nước, người dùng điện có thể chủ động đăng ký chuyển mua điện từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác. Trong khi đó ở Việt Nam chỉ có mỗi một đơn vị cung cấp. Chỉ khi nào ngành điện triển khai được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì khi đó mới hy vọng giá điện giảm nhờ sự cạnh tranh sòng phẳng. Nhưng để làm được điều này cũng còn phải chờ thời gian rất dài nữa”, vị này cho biết.
Cũng theo phân tích của chuyên gia này, hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tại Hà Nội tăng cao do khi các hộ dùng trên 400 kWh/tháng, giá điện sẽ được tính lũy tiến cao nhất, ở mức 2.587 đồng/kWh. Khi đó, chỉ cần hộ gia đình sử dụng vượt 200 kWh ở bậc thang cao nhất này, tiền điện của gia đình đó sẽ bị đội thêm tới hơn 500.000 đồng. Đây là mức chi phí rất lớn so với hầu hết các hộ gia đình ở Hà Nội hiện nay.
Lý giải việc hóa đơn điện tăng cao bất thường, đại diện Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho rằng, hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao do nắng nóng liên tục kéo dài và người dân sử dụng thiết bị điện nhiều hơn.