'Đập đá' phá… tương lai

Với hàm lượng ma túy cao, tác động mạnh tới hệ thần kinh, gây ảo giác, rối loạn hành vi…, ma túy "đá" đã và đang khiến tương lai của một bộ phận dân chơi là giới trẻ trở nên mịt mùng khi phải nhập viện tâm thần, có hành vi vi phạm pháp luật.
"Đập đá" là con đường ngắn nhất hủy hoại tương lai.

"Cơn lốc ảo" ma túy "đá"

Vào trang tìm kiếm google, search từ khóa "ma túy đá", trong ít phút sẽ hiện lên vô số đường link chỉ dẫn liên quan đến thông tin ma túy "đá". Điều này đã phần nào cho thấy, các loại ma túy "truyền thống" như: heroin, thuốc phiện… trên thị trường "đen" đang bị lấn át bởi các loại ma túy tổng hợp có dạng thức mới mà ma túy "đá" là một điển hình.

Nếu như trước đây, tiếng lóng "nàng tiên nâu", "nàng tiên trắng" ám chỉ việc sử dụng thuốc phiện, heroin thường được các dân chơi đề cập tới thì nay, cụm từ "đập đá", "ngáo đá" đã dần lấn át. Với một phần dân chơi là giới trẻ, ma túy "đá" đã trở thành một thứ gia vị không thể thiếu được trong mỗi cuộc ăn chơi thác loạn của mình. Ma túy "đá" xuất hiện trên thị trường "đen" và được nhiều người biết đến khi vào những năm 2007, 2008, lực lượng Công an đã khám phá, bắt giữ một số đối tượng chuyên cung cấp loại ma túy tổng hợp với dạng thức mới này cho dân chơi. 

Vào thời điểm bấy giờ, nhiều người không nghĩ rằng, sau này, ma túy "đá" lại có sức lôi cuốn chết người đến thế. Khi mới xuất hiện trên thị trường "đen", giá thành của ma túy "đá" còn cao - khoảng 2 triệu đồng/"chấm đá" (tương đương một gam). Chủ yếu dân chơi có điều kiện mới tìm đến. Và để sử dụng loại ma túy này, dân chơi thường phải đặt mua các loại dụng cụ như: bình ục, coóng, tẩu… 

Thế nhưng, một thời gian ngắn sau, khi ma túy "đá" ngày một chiếm lĩnh thị trường "đen", dân chơi đã tự chế cho mình các loại công cụ "đập đá" và giá thành của ma túy "đá" theo đó giảm đáng kể (chỉ 1 triệu - 1,2 triệu đồng/"chấm đá").

Sau một thời gian thâm nhập, tìm hiểu thực tế các cuộc ăn chơi thác loạn của dân "đập đá", tôi được M "sứt" - một dân chơi am hiểu về "đập đá" cho biết, khác với dân "bay lắc", dân "đập đá" thường tìm tới nhà nghỉ, khách sạn. Đây là những nơi kín đáo, không ồn ào náo nhiệt giúp dân chơi phiêu hơn khi sử dụng ma túy "đá". Để thuận tiện cho thú "đập đá" của mình, dân chơi thường tự chế các loại bình "ục", bình "đập đá" thông qua các loại bình lavie, bình sữa trẻ em v.v…

Dòng nhạc du dương theo kiểu Chill Out luôn được dân "đập đá" ưa thích hơn cả. Theo lý giải của các dân chơi, tiếng nhạc du dương sẽ làm tăng thêm độ ảo giác cho người sử dụng. Đáng chú ý, khi sử dụng ma túy "đá" theo kiểu bầy đàn (cả nam lẫn nữ), hiện tượng "xả đá" - quan hệ tình dục nam nữ thường xuất hiện.

Tang vật ma túy "đá" và thuốc lắc trong một vụ việc bị lực lượng Công an triệt phá.

Tâm sự của dân "đập đá" trong bệnh viện

Với hàm lượng ma túy cao, sự tác động, kích thích tới não bộ người sử dụng mạnh. Ma túy "đá" đã và đang khiến nhiều dân chơi trở nên bấn loạn, bị rối loạn thần kinh, phải nhập viện điều trị. Cách đây không lâu, khi đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh nhiều dân chơi "đập đá" phải nằm "an dưỡng" tại đây. 

Trong phòng điều trị số 2 của Khoa H (Khoa điều trị rối loạn tâm thần liên quan đến nghiện chất) - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, chúng tôi thấy dân chơi N.T.D mang khuôn mặt thẫn thờ, uống thuốc theo hướng dẫn của các y, bác sĩ. N.T.D năm nay 28 tuổi, ở quận Tây Hồ, chưa vợ. Từ nhỏ, N.T.D luôn được gia đình cưng chiều. N.T.D thích gì, gia đình đều cố gắng đáp ứng đầy đủ. Những tưởng, khi lớn lên, cậu con trai này sẽ là niềm tin cho gia đình và người thân. Vậy nhưng, có ai ngờ rằng, chính "cơn lốc ảo" mang tên ma túy "đá" đã khiến N.T.D không còn là mình.

Những cuộc ăn chơi, thác loạn thâu đêm suốt sáng, những lời mời, rủ rê của chúng bạn đã khiến N.T.D bỏ học, bị lệ thuộc vào ma túy "đá". "Ngày đó, bạn em nó bảo cứ hít "đá" đi, hay lắm! Không nghiện đâu. Thế là em nghe và làm theo. Lâu dần, em quen, em thường chủ động tìm đến nó - ma túy "đá", N.T.D ngước đôi mắt thẫn thờ về phía xa bảo. Ban đầu, sau cơn phê, D không có cảm giác lo sợ gì mấy, tuy nhiên càng về sau, cùng với các cuộc "đập đá", sự lo lắng, hồi hộp, cảm giác sợt sệt vì luôn có người rình rập, tìm cách hại mình xuất hiện. 

Và rồi, khi thấy D thường xuyên mất ngủ, tâm trạng bất an, hành vi bị rối loạn, gia đình đã liên hệ và đưa D đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị. Điều dưỡng trưởng Khoa H, Lê Đức Dân cho biết, bệnh nhân D nhập viện trong tình trạng loạn thần do chất kích thích ma túy "đá" gây ra. Nếu không được chữa trị kịp thời, D sẽ mãi trở thành người tâm thần, không điều chỉnh được hành vi bản thân.

- Sau này ra viện, em còn tìm đến "đá" nữa không? - tôi hỏi.

- Không! Không!...em sợ rồi! - D đáp nhát gừng.

Nhìn khuôn mặt thẫn thờ, cử chỉ rụt rè không còn hoạt bát của D, chúng tôi càng thêm thấy, ma túy "đá" thật đáng sợ. Ma túy "đá" đã và đang trở thành "cơn lốc ảo" khiến nhiều dân chơi mất đi tương lai. Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua đã phản ánh nhiều trường hợp vi phạm pháp luật do "ngáo đá" gây ra. Vậy vì đâu ma túy "đá" lại khiến một bộ phận dân chơi bị lôi cuốn đến như vậy. Vâng! Xin thưa rằng, đó chính là do ham chơi đua đòi, thích thể hiện mình, muốn mình là sành điệu… hay vì chán đời, muốn tìm đến "đá" để cai… heroin, nhiều trường hợp đã bị ma túy "đá" làm mê hoặc. 

Dân chơi Đ.N, 29 tuổi, nhà ở quận Ba Đình (Hà Nội) là một ví dụ. N đến nay đã hơn một lần được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để chẩn trị, cắt cơn thèm ma túy "đá". Với bản tính ham chơi đua đòi, không làm chủ được bản thân trước những lời mời "có cánh" của chúng bạn, sau mỗi lần cai "đá" ở bệnh viện trở về, một thời gian ngắn sau, Đ.N lại bập vào ma túy "đá". N vốn là một cậu học sinh ngoan, học giỏi, thế nhưng có ai biết được chữ ngờ.

Sau một lần "tặc lưỡi", N bị heroin lôi cuốn. Sau này, chán đời vì heroin đã hủy hoại cuộc đời mình, N quyết định tìm đến ma túy "đá" để cai heroin. Cho rằng "đập đá" không nghiện, "đập đá" thể hiện đẳng cấp của dân chơi và sẽ cai được heroin. N đã sai… khi sau đó, phải vào nhà thương điên để điều trị với chứng loạn thần do "đập đá" gây ra.

Nhiều dân chơi phải "an dưỡng" tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội do sử dụng ma túy "đá".

"Đập đá" hủy hoại nhân cách

Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng Phòng 5 - Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tỏ ra lo ngại trước hiện tượng một bộ phận dân chơi là giới trẻ hiện nay đang bị ma túy "đá" lôi cuốn. Theo Thượng tá Bùi Đức Thiêm, khi bị rơi vào trạng thái "ngáo đá" - ảo giác, con người ta sẽ có những hành vi mất kiểm soát, rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Với mẫu mã, hàm lượng ma túy chiếm trên 80%, mặc dù được hút thông qua hệ thống bình ục (đựng nước), song ma túy "đá" kích thích mạnh và nhanh đến hệ thần kinh, não bộ người sử dụng. 

Đáng nguy hại hơn khi ma túy "đá" khiến người sử dụng xuất hiện ngay hiện tượng ảo giác mà bản thân người đó không thể tiết chế được hành vi của mình. Thực tế cho thấy có những trường hợp sau khi sử dụng ma túy "đá" đã mất kiểm soát, sử dụng hung khí sát hại ngay cả người thân của mình.

Cùng chung suy nghĩ với đại diện Cục CSĐT tội phạm về ma túy, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó trưởng Khoa H (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) cho biết, bình quân mỗi tháng, có trên dưới 30 bệnh nhân bị loạn thần do ma túy gây ra phải vào viện điều trị. Các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng bị rối loạn tâm thần, hành vi mất kiểm soát, thường xuyên có biểu hiện lo âu, sợt sệt, mất ngủ…

Sẵn sàng sử dụng hung khí để gây gổ với người xung quanh, thậm chí là cả người thân khi cho rằng số người này đang có… âm mưu hại mình. Đối với các trường hợp này, các y, bác sĩ phải rất vất vả trong việc điều trị, cắt cơn thèm thuốc cũng như đẩy lùi hiện tượng ảo giác xuất hiện trong suy nghĩ các bệnh nhân. Bên cạnh đó, có trường hợp do "đập đá" với tần suất cao. 4-5 lần/tuần, thời gian điều trị kéo dài lên đến 2-3 tháng.

Theo các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, ma túy "đá" là loại ma túy tổng hợp với dạng thức mới, nó thuộc nhóm Methamphetamine kết tinh dưới dạng tinh thể. Khi hít phải làn khói "đá" này, hệ thần kinh người sử dụng sẽ nhanh chóng bị tác động, gây ra hiện tượng ức chế thần kinh, hành vi mất kiểm soát. Nếu sử dụng nhiều, với tần suất cao, hệ thần kinh người sử dụng thậm chí còn bị tê liệt.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu