Những bộ phim đánh đâu thắng đó
Kore-eda - tính đến nay là cái tên châu Á oách nhất ở Cannes. Nhắc lại: Cannes là một liên hoan phim (lớn nhất, quan trọng nhất và có giá trị nhất của ngành điện ảnh thế giới), nó khác với Oscar – là giải thưởng thường niên của Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ, không phải là liên hoan phim.
Xét ở mức độ chuyên nghiệp thì Cannes được đánh giá cao hơn Oscar. Cannes theo đuổi các giá trị điện ảnh đỉnh cao, trong khi Oscar cân nhắc nhiều hơn đến sự tiếp nhận của khán giả.
Kore-eda đã không dưới 10 lần có phim tranh giải tại LHP Cannes và chiến thắng ở hầu hết các hạng mục quan trọng nhất như: Cành cọ vàng (Shoplifters – Kẻ trộm siêu thị, 2018), giải thưởng của BGK (Like Father Like Son – Cha nào con nấy, 2013), Nam diễn viên xuất sắc nhất (Nobody Knows – Không ai biết, 2004 và Broker – Người môi giới, 2022), Kịch bản xuất sắc nhất (Monster – Quái vật, 2023)…
Trước đó, những tác phẩm của Kore-eda đã càn quét hầu hết giải thưởng của các LHP quốc tế khác - những LHP hạng hai, hạng ba (vì vẫn xếp sau Cannes). Nói không ngoa, Kore-eda (và một hai người khác) đã khiến châu Âu và Mỹ có cái nhìn khác về điện ảnh châu Á.
Một đặc điểm chung của phim Kore-eda là ông luôn kể những câu chuyện đời thường giản dị bằng một cách thức sắc bén nhưng lại đầy tinh tế. Kể cả những bộ phim dài nhất của ông cũng không có những cảnh hành động thật sự, những cú xoay bất ngờ, những âm thanh quá lớn, hiệu ứng đặc biệt hay bối cảnh hoành tráng, mãn nhãn…
Thay vào đó, người xem sẽ được tham gia gần như trực tiếp vào câu chuyện của các nhân vật khi họ trải qua những ngày thường với các cảm xúc, thay đổi nội tâm, tranh đấu nhìn qua tưởng không có gì quá đặc biệt.
Không cần siêu anh hùng, và mỹ nữ, và kỹ xảo… Kore-eda chinh phục người xem bằng những lý giải đầy bất ngờ về sự phức tạp của nhân tính, nguồn gốc của cái ác và vẻ đẹp thực sự của những con người bình thường, dưới đáy, thậm chí là tội phạm. Các tác phẩm của ông được BGK Cannes đánh giá là “đã chạm đến chiều sâu của con người thông qua những nỗi đau, thất bại cũng như những hy vọng của họ”.
Năm ngoái, “Monster” (nghĩa gốc là “Quái vật” nhưng đã được bộ phận dịch chuyển thành “Quỷ dữ” khi ra rạp) của Kore-eda chiếu ở Việt Nam, nhiều khán giả đại chúng lần đầu được tiếp xúc với tác phẩm của một “bậc thầy” đã tỏ ra khá bối rối khi lý giải những tầng nghĩa của phim.
Sự đa thanh là một đặc điểm nổi bật của phim Kore-eda. Cũng là phim này, tại Pháp, nó được chuyển ngữ thành “L’innocence” (‘vô tội’ hoặc ‘ngây thơ’). Tức là cùng một câu chuyện, người xem có thể lý giải nó bằng nhiều cách khác nhau tùy vào các chiều kích mà họ tiếp cận.
Không dễ để “bị ảnh hưởng”
Sự thành công vang dội của Kore-eda đã đem tên tuổi của ông trở thành một thứ “tài sản quốc tế”, từ đó tạo ra cả một trường ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều thế hệ nhà làm phim đi sau.
Ở Việt Nam, nhiều đạo diễn đã thẳng thắn thừa nhận họ thích và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong cách làm phim của Kore-eda. Bùi Thạc Chuyên là một ví dụ. Trong cuộc phỏng vấn sau khi phim “Tro tàn rực rỡ” ra rạp, anh chia sẻ với phóng viên Tiền Phong: “Tôi thích Kore-eda, ở lối kể chuyện giản dị về những người bình thường. Phim ông ấy chú trọng tìm kiếm nhân tính, chứ không chú trọng tạo lập các giá trị tiên phong về ngôn ngữ, nghệ thuật điện ảnh. Tôi cũng cho rằng, gì thì gì phim phải nói về con người, phải có khán giả”.
Nếu là một fan của Kore-eda, người xem hẳn đều biết, chất liệu sáng tác của ông đều bắt nguồn từ những mẩu chuyện thực tế. Những cuộc đời bình thường và những bất hạnh phổ biến chính là một đường dẫn để phim của đạo diễn người Nhật chạm được đến nhiều tầng lớp khán giả.
Trong số các đạo diễn đang nổi ở Việt Nam, Trấn Thành được cho là “đã học theo Kore-eda” một cách rõ ràng nhất. Từ sự nhất quán trong cách chọn đề tài, cho đến các hình mẫu gia đình chắp vá, khuyết thiếu và cách “sục sâu xuống bùn” để nhìn rõ tất cả… Nếu có cái gì đó khác, thì chính là ở sự tinh tế và thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải qua mỗi bộ phim.
Kore-eda luôn dùng những câu chuyện nhỏ kết cấu chặt chẽ để chuyển tải một vấn đề lớn, thường là mang tính triết học, còn phim của Trấn Thành là những câu chuyện nhỏ đứng cạnh nhau và mọi thông điệp đều được diễn viên nói ra mồm.
Hirokazu Kore-eda sinh năm 1962, khởi nghiệp bằng nghề trợ lí đạo diễn. Ông chính thức ra mắt công chúng với “Maborosi” (1995), từng tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice, tác phẩm kể về cuộc sống tái giá của người phụ nữ trẻ sau khi chồng cô tự tử mà không rõ lí do. Đây cũng khởi đầu cho sự nghiệp làm phim kéo dài gần 30 năm của ông với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu khác như: “Nobody Knows” (Không ai biết, 2004), “Like Father, Like Son” (Cha nào con nấy, 2013), “Shoplifters” (Kẻ trộm siêu thị, 2018), Monster (Quái vật, 2023)...
Kore-eda được giới phê bình điện ảnh đánh giá là đã nâng tầm thể loại “slice-of-life” (lát cắt cuộc sống, là thể loại khai thác những câu chuyện đời thường thông qua lăng kính giản dị, gần gũi của sự thực tế) lên trên cái mức độ tái hiện đời sống thông thường, bởi nó không chủ đích đem lại cho người xem cảm giác yên lòng (khi muốn tìm đến dòng phim này), mà phơi bày ra cái hiện thực đời sống vừa khắc nghiệt lại vừa đẹp đẽ.