Đằng sau thỏa thuận ngừng bắn là kịch bản 'chia cắt' Syria?

Giữa lúc các bên đạt được nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Syria thì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bất ngờ cảnh báo: Có thể quá muộn để giữ nguyên một Syria thống nhất, đồng thời bắn tiếng Washington sẽ ủng hộ chia cắt Syria nếu lệnh ngừng bắn thất bại.

Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, các bên liên quan tới xung đột Syria cuối cùng đã đi tới được một thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia Trung Đông này. Thỏa thuận được Nga và Mỹ - hai nước đồng chủ tịch “Nhóm quốc tế hỗ trợ cho Syria” (ISSG) đề xuất này sẽ chính thức có hiệu lực từ 12h00 đêm ngày 26/2 (giờ Damascus -  tức 10 giờ GMT ngày 27/2). Văn bản công bố ngày 22/2 cho phép Nga, liên quân do Mỹ đứng đầu tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chống IS, lực lượng hiện đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ của Syria và Iraq, cũng như Mặt trận al-Nursa có liên hệ với al-Qaeda và nhiều nhóm thánh chiến bị Liên hợp quốc liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. 

Thỏa thuận là bước tiến lớn trong nỗ lực của quốc tế nhằm tạo lập hòa bình ở Syria sau quãng thời gian giao tranh hơn 5 năm. Tuy nhiên, ngay trước đi vào thực thi, dư luận nhìn chung đều cho thấy một thái độ “lạc quan trong thận trọng”. Về thực tế, đâu không phải lần đầu tiên các bên tham chiến ở Syria đạt được đồng thuận về ngừng bắn. Thế nhưng những diễn biến trước đó đều cho thấy, các thỏa thuận đều nhanh chóng bị phá vỡ, do những phức tạp liên quan đến nội tình Syria, cùng với những toan tính, can dự từ bên ngoài. 

Tuy lên tiếng xác nhận đề xuất của Nga - Mỹ, nhưng Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) - nhóm chính trị đại diện cho quân nổi dậy Syria tham gia đàm phán hòa bình cho biết sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn trong vòng 2 tuần để “đánh giá cam kết của đối phương”. Phe nổi dậy nghi ngại, việc cho phép tấn công IS, nhóm al-Nursa có thể là “lỗ hổng” để Nga, quân đội Syria lấy đó làm vỏ bọc tiếp tục tấn công lực lượng này. 

Mỹ, nước đồng bảo trợ cho kế hoạch ngừng bắn, cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng hiện thực. Tổng thống Barack Obama ngày 24/2 cho biết Washington “rất thận trọng” khi đưa ra kỳ vọng đối với thỏa thuận này. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford lẫn Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đều bày tỏ nghi ngờ khả năng Nga tuân thủ thỏa thuận về Syria, “đòi” Nhà Trắng gây sức ép mạnh hơn nữa nhằm vào Moskva, thực thi các giải pháp mới để “làm Nga đau đớn thực sự”. 

Thổ Nhĩ Kỳ, một tác nhân liên quan đến tình hình Syria, tuy tuyên bố ủng hộ đình chiến, nhưng vẫn lớn tiếng khẳng định quan điểm cứng rắn với các tay súng người Kurd. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng lực lượng dân quân người Kurd tại Syria (YPG) cần phải nằm ngoài phạm vi của lệnh ngừng bắn. Nó cho thấy, Ankara chưa hẳn sẽ dừng các đợt tấn công, pháo kích nhằm vào cứ điểm của lực lượng này tại Syria gần tuyến biên giới.

Sông Euphrate (xanh) sẽ là ranh giới phân vùng ảnh hưởng giữa các bên? Ảnh: Artishok Interactive.
Nguy cơ phân rã Syria?

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 23/2, ông Kerry tuyên bố sẵn sàng theo đuổi “Kế hoạch B” về Syria nếu lệnh ngừng bắn thất bại. Từ chối mô tả chi tiết về lựa chọn chính sách này, Ngoại trưởng Mỹ chỉ nói một cách khái quát rằng sẽ sai lầm nếu cho rằng Mỹ sẽ không có bước đi kế tiếp. Đáng chú ý, ông Kerry hé lộ “Kế hoạch B” kia có thể sẽ liên quan đến việc chia tách Syria, một khi thỏa thuận ngừng giao tranh thất bại, hoặc là không có bước chuyển biến rõ nét nào về lộ trình chính phủ chuyển tiếp ở Damascus trong vòng 3 tháng tới. Không xem đây là giải pháp chính, nhưng vị quan chức ngoại giao Mỹ ngầm cho thấy “chia cắt” đó sẽ là bước đi cuối cùng, với ngụ ý đến một lúc nào đó sẽ là “quá trễ” để giữ Syria như là một lãnh thổ thống nhất. 

Thỏa thuận Nga - Mỹ lần này thành hình tại phiên thảo luận có sự tham gia của 17 bên thuộc ISSG bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 12/2. Tuy nhiên, mạng tin tình báo Debka (Israel) nói rằng, hợp tác giữa hai “người chơi” lớn nhất này đã được xác lập từ tháng 12/2015, khi mà ông Obama và đồng cấp người Nga Vladimir Putin nhất trí về một thỏa thuận bí mật nhằm chấm dứt xung đột Syria. 

Cụ thể, theo Debka, đó là sự phân vùng ảnh hưởng và trách nhiệm quân sự của mỗi bên. Mỹ sẽ “phụ trách” các khu vực phía đông sông Euphrates, còn Nga “bao quát” vùng lãnh thổ bờ tây của sông. Trang mạng này bình luận, diễn biến thực tế trên chiến trường thời gian qua cũng củng cố cho lập luận này. 

Bản đồ giao tranh cho thấy, các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad được sự hỗ trợ của không quân Nga liên tục tấn công, giành quyền kiểm soát các vùng đất ở phía nam, miền trung và tây Syria, trong đó có Damascus, thành phố Daraa, Homs, Hama và Latakia và một phần Aleppo. Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thì vẫn “hoạt động mạnh” tại các thành phố Hassakeh và Qamishli ở phía bắc, thành trì Raqqa của IS và vùng biên giới Syria – Iraq. Còn biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd là nơi “điều phối ảnh hưởng” của cả Mỹ và Nga. 

Một sự phân vùng ảnh hưởng như vậy sẽ có tác động như thế nào tới cục diện Syria? Phải chăng đó chính là “Kế hoạch B” mà ông Kerry ngầm đề cập? Nga sẽ được gì trong kịch bản này, đó có phải là một “nhà nước” với người Alawite chiếm đa số sẽ bảo đảm chỗ đứng cho Moskva tại Địa Trung Hải, với căn cứ hải quân quan trọng và duy nhất là Tartus? Còn với Mỹ, làm tan rã Syria hẳn nhiên là một mục tiêu mà Washington đeo đuổi?

Theo Theo Báo Tin Tức