Dân vùng ngập nhất Đà Nẵng kê tài sản lên giường tầng cả tháng vì 'mưa lũ đỉnh điểm'

TPO - “Tôi phải kê 3 cái giường tầng từ trên nhà xuống dưới bếp, đồ đạc gói ghém sẵn, mưa lớn là bốc hết lên giường chứ kinh nghiệm nhiều năm rồi, đợi nước vào không sao xoay kịp”, chị Nguyễn Thị Hồng Thương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ 3/11, miền Trung sẽ có một đợt mưa lớn dữ dội trên diện rộng. Riêng khu vực Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, từ 3-5/11, lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm.

Người dân Đà Nẵng ứng phó với mưa lũ đang đến gần. Video: Thanh Hiền.

Phường Hòa Khánh Nam, đặc biệt khu vực đường Mẹ Suốt là nơi ngập sớm nhất và ám ảnh nhất của người dân Đà Nẵng, bởi trận lũ năm 2022 đã cướp đi nhiều mạng người. Ảnh: Thanh Hiền.

Nhà anh Phúc nằm trong kiệt 161 đường Mẹ Suốt. Mấy năm qua cứ vào tháng 10, tháng 11 là cả xóm nháo nhào chạy lũ. Trận lũ lịch sử năm 2022, nhà anh ngập gần 1,5m; năm 2023 chừng 1m. Trong ảnh: Dấu nước ngập năm 2022 còn in hằn trên tường. Ảnh: Thanh Hiền.

Nhà có gác lửng, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Thương đứng ngồi không yên khi nghe đài báo tin mưa lớn kéo dài, gây ngập lũ ở miền Trung. Vợ chồng chị kê thêm 3 cái giường tầng ở phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp. Mấy hôm nay chị đã gác đồ điện tử, đồ không sử dụng hàng ngày lên sẵn.

Nhà chị Thương đi góc nào cũng thấy giường tầng chất đầy đồ đạc. "Mỗi trận ngập là một lần đồ đạc mất mát, hư hại rất nhiều. Thế nên phải chuẩn bị từ sớm, hơn nữa lần này nếu đúng như dự báo mưa lũ đỉnh điểm thì vùng trũng này làm sao tránh khỏi. Tôi sẽ kê giường tầng như thế cho đến hết tháng 11, thậm chí tháng 12, đến hết mùa mưa bão mới tháo ra”, chị nói và cho biết thêm đã chuẩn bị luôn đèn pin, nến…sẵn sàng đương đầu với mưa lũ.

Cách đó không xa, nhà anh Võ Anh Tuấn (tổ 36, phường Hòa Khánh Nam) cũng đã thu dọn hết quần áo, những bộ ít mặc cho vào túi chuyển lên gác lửng. Hai năm trước, con gái anh lúc đó 16 tuổi đã mất khi nước lũ đổ về trong đêm. Nay mỗi mùa mưa bão, nỗi sợ và nỗi mất mát lại ám ảnh cả gia đình.

Nhà bà Nguyễn Thị Hương ở sát bên cẩn thận bỏ hẳn ti vi và tủ lạnh trên gác lửng. Sau mấy trận ngập kinh hoàng, cuối năm trước nhà bà đã làm căn gác lửng để cả nhà trú tránh và di chuyển tài sản khi nước vào nhà.

Nhà nào cũng cố làm cho được căn gác, dù kiên cố hay tạm bợ.

Những kiệt hẻm đường Mẹ Suốt thường ngập rất nhanh. Người dân cho hay chỉ cần mưa to một ngày là có thể ngập. Đây cũng là địa điểm mà các đoàn cứu hộ luôn quan tâm và có mặt sớm trong các trận lũ để đưa người dân đến nơi an toàn.

Khu dân cư vùng trũng thấp được trang bị phao cứu sinh cho người dân. Dự báo, sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung có thể diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện thêm 2-3 đợt, trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều từ Quảng Bình đến Phú Yên. Đây cũng là giai đoạn mưa lũ đỉnh điểm ở miền Trung trong năm nay.