Dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

TP - Hạn hán ở tỉnh Gia Lai đã bước vào thời kỳ căng thẳng nhất trong vòng hơn chục năm trở lại đây. Nhiều ruộng lúa, nương rẫy cà phê, hồ tiêu đang trong giai đoạn “kinh doanh” không có nước tưới, hệ thống các sông, suối chính trên địa bàn tỉnh cạn kiệt, mạch nước ngầm suy giảm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

> Chưa mùa khô, đã khát vì thủy điện
> Hạn hán nghiêm trọng khắp Tây Nguyên
> Sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng

Đào giếng ngay dưới lòng hồ lấy nước tưới cà phê.

Khóc vì hạn hán

Trong cái nắng “chết người”, chị Hà Thị Thủy, thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) nói như than: “Các chú thấy đấy, cà phê khô cháy thế kia thì cứu gì nữa! Chưa có năm nào mà tôi lại khóc vì khô hạn như năm nay, nhà tôi có 3 cái giếng, giờ phải đào thêm một cái nữa mà vẫn không đủ nước tưới. Một tháng nữa mà không có mưa chắc phải bán nhà mà trả nợ ngân hàng”.

Vừa nói chị vừa chỉ tay ra vườn cà phê đang khô héo. Nhiều hộ dân trong thôn cũng chung hoàn cảnh như chị, do không đủ nước tưới, nên tỷ lệ đậu quả của các vườn cà phê trong huyện Đức Cơ rất thấp.

Từ giữa quý III năm 2012 đến nay, nắng nóng kéo dài gây tình trạng thiếu nước tưới, nước sinh hoạt cho các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai và khiến hơn 5.000ha cây trồng “chết khát”.

Tình trạng nắng nóng trong nhiều tháng qua khiến ao, hồ, sông, suối kiệt nước. Ngay đến các hồ nuôi trồng thủy sản của Trung tâm nuôi trồng thủy sản Gia Lai trên địa bàn huyện Chư Prông cũng thiếu nước trầm trọng, hiện có 9 hồ nuôi cá trơ đáy. Nước sinh hoạt của người dân cũng thiếu trầm trọng do khô hạn.

Nước ngầm tụt mạnh

Trong những ngày qua, ở một số huyện như Chư Pưh, Ia Grai, Đăk Đoa, Đức Cơ, người dân đã mua dầu, huy động máy bơm, đào ao lấy nước để cứu cà phê, lúa và hoa màu, tuy nhiên không chỉ nước mặt mà nước ngầm cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Việc để mất rừng phòng hộ, hiện tượng El Nino, cộng với việc chặn dòng xây dựng các công trình thủy điện…, cũng khiến các mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt.

Tây Nguyên hiện có khoảng 450.000ha cà phê, trong nhiều năm qua, nhiều hộ nông dân ở đây không ngừng mở rộng diện tích trồng mới. Việc tăng diện tích cà phê đã gây áp lực lớn đối với nguồn nước tưới. Riêng tỉnh Gia Lai có gần 80.000ha cà phê, trong đó diện tích cà phê 80% trông vào mưa và nước ngầm.

Hiện nay, mực nước ngầm trên địa bàn các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Đăk Pơ, Kông Chro, Krông Pa… đang xuống khá nhanh. Nước tưới cho cà phê đang là nỗi lo canh cánh đối với người nông dân.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện nguồn nước ngầm tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng… đang suy giảm về số lượng và chất lượng. Tại Tây Nguyên, do phát triển diện tích cà phê quá mức, 6 tháng mùa khô không có mưa, nước ngầm sụt giảm 3m - 4m so với trước.

Ông Phạm Duy Du - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết: “Lượng mưa hằng năm ở Tây Nguyên có xu hướng ít đi, mùa khô kéo dài. Nếu các bên liên quan không sớm có biện pháp khắc phục thì hiện tượng đất đai bị sa mạc hóa sẽ là điều khó tránh khỏi trong tương lai”.

Theo Báo giấy