Dân số tăng nhanh, trường học Hà Nội quá tải

TP - Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, nhiều quận, huyện trên địa bàn đang có tình trạng trường học không đáp ứng đủ nhu cầu do dân số cơ học tăng nhanh trong khi một số nơi, cơ sở vật chất còn thiếu, yếu và xuống cấp.
Nhiều quận huyện của Hà Nội thiếu trường học do dân số cơ học tăng nhanh.

Nội thành căng thẳng chỗ học

Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội vừa thực hiện giám sát tại một số quận, huyện, thị xã như Đống Đa, Thường Tín, Ba Vì, Hà Đông, Đông Anh, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Sơn Tây... về quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo nhiều quận nội thành cho rằng, do dân số tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng thiếu trường học. Quận Đống Đa với diện diện tích 9,96 km2 và 21 phường, dân số trên 41 vạn người hiện vẫn còn thiếu 2 trường tiểu học và 5 trường THCS. Dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải số lượng học sinh đến lớp. Các khu chung cư cao tầng mới đông dân cư dẫn đến thiếu trường học, vì vậy ở một số trường số học sinh/ lớp vượt quy định. “Quy hoạch đất dành cho giáo dục còn thiếu nhiều so với nhu cầu, diện tích đất nhiều trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng, xây trường mới rất khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư lớn nhưng số lượng trường chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khu vực ngoài công lập còn nhiều hạn chế”, lãnh đạo quận Đống Đa nói.

Quận Hà Đông cũng rơi vào tình trạng gia tăng dân số cơ học quá nhanh gây ra áp lực lớn về hạ tầng xã hội trong đó có trường học. Bên cạnh đó, trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa đồng đều giữa các trường. Một số cán bộ quản lý còn hạn chế trong việc xây dựng các kế hoạch phát triển giáo dục mang tính lâu dài. Chất lượng học sinh có sự chênh lệch lớn giữa các trường trong quận…Ở Đông Anh, trên địa bàn xã Kim Chung có KCN Bắc Thăng Long với 2.500 công nhân/37.500 người dân đang sinh sống và làm việc nên cần thêm 1 trường tiểu học, 1 trường THCS để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân.

Ngoại thành cũng thiếu đất xây trường

Địa phương nằm xa trung tâm như Thường Tín cũng gặp vấn đề về tăng dân số cơ học khiến diện tích đất nhiều trường không đảm bảo. Công tác quy hoạch gặp nhiều khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Các trường được đầu tư xây dựng chỉ xây mới một số hạng mục, còn lại sửa chữa, nâng cấp các phòng cũ do đó diện tích các phòng học phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu hiện nay. Đối với bậc học mầm non do mới được chuyển từ mô hình bán công sang công lập nên nhu cầu đầu tư rất lớn cả về địa điểm và kinh phí, trong khi nguồn kinh phí còn có hạn. Nhu cầu đầu tư trang thiết bị các phòng chức năng, phòng bộ môn lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn, nên những trường xây dựng chuẩn quốc gia mới được đầu tư thiết bị ở mức tối thiểu.

Trong khi đó, ở huyện Ba Vì còn 10/18 chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết của HĐND thành phố như chất lượng giáo dục toàn diện và tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp so mặt bằng chung còn thấp; chất lượng đại trà về văn hóa giáo dục phổ thông còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở các trường tiểu học, nhất là THCS còn rất thấp so với mặt bằng chung. Số phòng học đủ để dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, mầm non còn thiếu, nhiều phòng học xuống cấp chưa được thay thế. Hầu hết các trường mới đủ phòng học thông thường, thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn; đồ dùng, thiết bị dạy học trong trường còn thiếu. Bên cạnh đó, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia thấp, chưa đạt chỉ tiêu. So với tiêu chí trường chuẩn quốc gia, hiện nay một số trường không đủ diện tích đất. Nhiều trường đã đạt chuẩn giai đoạn trước đến nay không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nên không đạt chuẩn trong giai đoạn mới.    

“Quy hoạch đất dành cho giáo dục còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Diện tích đất nhiều trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng, xây trường mới rất khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư lớn nhưng số lượng trường chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khu vực ngoài công lập còn nhiều hạn chế”.

Một lãnh đạo quận Đống Đa