>> Khởi tố vụ chìm tàu khiến 12 người thiệt mạng
Chuyến tàu du lịch Trường Hải, xuất phát từ chiều 16 - 2 tại cảng Bãi Cháy. Trên tàu có 27 người, gồm 6 thủy thủ, còn lại là khách du lịch đến từ 7 quốc gia, Thụy Điển, Pháp, Anh, Thụy Sỹ, Nhật, Úc, Nga, Mỹ. Toàn bộ du khách đi trên chuyến tàu này thuộc tour du lịch do Cty AZQEEN (trụ sở tại Hà Nội) tổ chức. Theo lịch trình, tàu chạy 1 ngày 1 đêm trên biển và trở lại Bãi Cháy vào lúc 12 giờ trưa 17-2.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó phòng Xuất nhập cảnh (PA 72), Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến 17 giờ ngày 17 - 2, đã xác định được danh tính và quốc tịch của toàn bộ du khách trên chuyến tàu bị nạn.
Cũng trong chiều qua, Đại sứ quán Thụy Điển, Pháp, Anh... trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết vụ việc. Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ đắm tàu. Sau đó sẽ phối hợp với thân nhân, cơ quan chủ quản và các đại sứ quán để đưa thi thể nạn nhân về nước.
Ông Trịnh Quốc Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho hay: Theo lời khai ban đầu của các nhân chứng trên tàu, lúc 5 giờ sáng, máy trưởng Đỗ Văn Thắng và máy phó đi kiểm tra tàu để bàn giao ca thì phát hiện thấy nước tràn vào từ mạn phải. Họ lập tức lấy giẻ bịt lại vết bục, nhưng không được, vết bục tiếp tục vỡ to thêm. Lúc này cả hai người chạy vào báo với thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng và báo động cho hành khách, nhưng chỉ kịp đánh thức khách ở một số phòng thì tàu chìm.
Thông tin từ cơ quan chức năng, mỗi ngày Quảng Ninh đón khoảng 3.000 du khách nước ngoài đến địa phương du lịch, trong đó có trên một nửa đăng ký du lịch trên biển.
Vào thời điểm bị nạn, hầu hết khách trên tàu đang ngủ. Chỉ có 3 khách nước ngoài cùng 6 người thuộc đoàn thủy thủ may mắn thoát chết. Trong số các nạn nhân có 2 người Mỹ, 2 người Nga và 2 người Thụy Điển; Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Nhật, mỗi nước có 1 nạn nhân. Nạn nhân người Việt là hướng dẫn viên du lịch. Trong 3 khách nước ngoài thoát nạn có 2 người mang quốc tịch Đan Mạch.
Lúc xảy ra sự việc, thời tiết trên biển hoàn toàn bình thường, không xảy ra lốc xoáy hay giông bão. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn làm việc với cơ quan Khí tượng Thủy văn để xác định rõ thời tiết tại vùng biển xảy ra vụ đắm tàu.
Ông Ngô Hùng, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết. Ban quản lý Vịnh có đội cứu hộ cứu nạn trên biển và 6 điểm ngủ đêm trên Vịnh đều có thành viên đội này trực nhưng trong vụ chìm tàu Trường Hải vì không có thông tin gì nên không biết.
Ông Trịnh Quốc Dũng cũng cho biết, kiểm tra sơ bộ, tàu QN 5198, được cấp phép hoạt động du lịch trên biển, kể cả hoạt động trên biển vào ban đêm, có đầy đủ giấy tờ hoạt động du lịch biển hợp lệ.
Ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy cho biết, Bệnh viện đã từng tiếp nhận một số vụ tương tự, nhưng đây là vụ có số nạn nhân nhiều nhất từ trước đên nay. Ngay sáng qua, 3 nạn nhân bị thương nhẹ đã được chăm sóc, hồi phục sức khỏe và trở về khách sạn Hòn Gai.
Tại Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, nơi tiếp nhận thi thể các nạn nhân lúc 15 giờ (17-2), phóng viên Tiền Phong ghi nhận: Một số giấy tờ tùy thân bị ướt được đưa về đây phơi nắng ở khu vực bảo quản thi thể nhằm phục vụ điều tra.
Cũng hôm qua, Cơ quan CSĐT-CA tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án.
Một số vụ tai nạn tàu du lịch trên Vịnh
Ngày 24-9-2009: Tối 24-9-2009, tàu du lịch QN - 5298 chở 26 người đã bị lật ở khu vực hòn Hoa Cương (vịnh Hạ Long, Quảng Ninh). Trong số 5 người tử nạn có 2 khách nước ngoài.
Ngày 28-2-2010: 1h sáng 28-2-2010, tàu Du lịch Quang Minh chở khách ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long đã bốc cháy và bị chìm, may không có thiệt hại về người.
Ngày 9-10-2010: 17h ngày 9-10-2010, tàu Du lịch Hải Cường đang nằm đợi khách tại cảng tàu Du lịch Bãi Cháy bất ngờ phát hỏa, bốc cháy dữ dội trên biển hơn 1 giờ đồng hồ.
Ngày 9-1-2011: Khoảng 12h ngày 9-1-2011, tàu Du lịch Thành Hưng mang số hiệu QN-4339 trên vịnh Hạ Long đột ngột bốc cháy, 20 người trên tàu kịp tháo chạy khỏi đám lửa dữ.