Đàm phán thương mại Mỹ -Trung tiến triển

TP - Hôm qua, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer  để chuẩn bị các khâu cho vòng đàm phán về thương mại tiếp tới.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vừa điện đàm về thương mại ảnh: Handout/SCMP

Hai trưởng đoàn Trung Quốc và Mỹ là ông Lưu và ông Lighthizer đã cùng ông Mnuchin trao đổi các vấn đề, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. “Đôi bên đã trao đổi quan điểm về việc xúc tiến các bước, về thời gian biểu và lộ trình thực thi những đồng thuận đạt được trong cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao trước đó”, tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nói.

Các nhà quan sát nói Trung Quốc sẽ không muốn các cuộc đàm phán thương mại bị chệch đường ray bởi vụ bắt giữ một phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Huawei mới đây tại Canada theo yêu cầu của giới chức tư pháp Mỹ.

SCMP trích lời các chuyên gia Trung Quốc nói cuộc điện đàm ở cấp cao cho thấy đôi bên sẽ bám vào nội dung thỏa thuận cấp cao đạt được ở Argentina mới đây, bất chấp vụ bắt bà Mạnh Vãn Châu của Huawei.

Trương Diễn Sinh, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế nói ông tin rằng đã có những hiểu biết lẫn nhau và khác biệt chỉ là vấn đề của văn hóa, khi Mỹ chủ động hơn trong việc thông tin đến công chúng. “Mặc dù Trung Quốc rất khó chấp nhận những gì Mỹ làm đối với vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, việc đó cũng không làm thay đổi thỏa thuận giữa hai nguyên thủ quốc gia tại Argentina”, ông Trương nói. “Vụ bà Mạnh mới chỉ bắt đầu, trong khi các cuộc đàm phán thương mại là một vấn đề khác  và đang diễn tiến”.

Học giả Trương Triết Tân của Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cũng đồng quan điểm, cho rằng cuộc điện đàm cho thấy đàm phán thương mại đang tiến triển.

Ông cho rằng cho dù vụ bắt giữ quan chức của Huawei chắc chắn là toan tính gây sức ép với Trung Quốc trong “ân hạn 90 ngày” mà phía Mỹ đưa ra tại cuộc gặp ở Argentina thì “nhiều vụ việc tương tự nếu xuất hiện cũng sẽ chỉ là hành động độc lập của Bộ Tư pháp Mỹ”.

Đôi bên có 3 tháng để giải quyết các bất đồng và khác biệt trong việc chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan... Nếu không có thỏa thuận đôi bên chấp nhận được, Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế. Hôm chủ nhật, ông Lighthizer nói hạn chót cho Trung Quốc là ngày 1/3.

Trong một diễn biến khác, hôm qua phó chủ tịch phụ trách tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Châu đã được đưa trở lại tòa án ở Canada để  tòa tiếp tục các bước đi  pháp lý trước khi phán quyết bà này có được nộp tiền bảo lãnh tại ngoại hay chờ dẫn độ về Mỹ. Bà bị cáo buộc lừa dối các ngân hàng về mối liên hệ của Huawei với một công ty tìm cách bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Phiên tòa dự kiến kết thúc vào ngày thứ Hai đã phải kéo sang ngày thứ Ba bởi tòa muốn nghe thêm về vấn đề người bảo lãnh-ai sẽ chịu trách nhiệm về các hành vi của bà Mạnh nếu bà được thả. Luật sư của bà Mạnh đã đề xuất người bảo lãnh là chồng bà, ông Lưu Tiểu Chúng, nhưng thẩm phán và công tố viên đặt vấn đề liệu ông Lưu có thực thi được nghĩa vụ này hay không khi ông không phải là dân thường trú ở tỉnh British Columbia (nơi bà Mạnh bị bắt) và sẽ không tổn thất gì nếu bà Mạnh phá vỡ các điều khoản ràng buộc.

Với mục đích giúp bà Mạnh thoát khỏi tình trạng bị giam giữ, luật sư biện hộ đã đề nghị gắn các thiết bị giám sát tại hai tòa biệt thự thuộc sở hữu của gia đình bà Mạnh tài Vancouver (British Columbia) và bố trí an ninh 24/24h để đảm bảo khách hàng của ông không thể bỏ trốn.  Luật sư cũng đề nghị nộp 11,3 triệu USD tiền bảo lãnh và cam kết bà Mạnh sẽ nộp toàn bộ số hộ chiếu Trung Quốc và Hồng Kông và giấy thông hành cho cảnh sát Canada.

Theo Bloomberg, tại tòa án, bà Mạnh Vãn Châu thông qua luật sư đề cập hai biệt thự thuộc sở hữu của vợ chồng bà ở Vancouver trị giá hơn 20 triệu USD, coi đây là yếu tố để thuyết phục tòa tin rằng bà sẽ không bỏ trốn khi được nộp tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, công tố viên đã chống lại việc này, lập luận rằng gia đình bà rất giàu (ước tính tài sản của ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, bố bà Mạnh trị giá 3,2 tỷ USD) nên bà dễ dàng chấp nhận mọi khoản tiền cần nộp để rồi bỏ trốn. Dự kiến hôm nay (giờ Việt Nam), tòa Canada có thể ra phán quyết về việc cho bà Mạnh tại ngoại hay chờ dẫn độ  về  Mỹ.