Đàm phán Mỹ-Trung không có tiến bộ

TP - Các cuộc đàm phán và gặp gỡ tại Bắc Kinh hôm 5-9 giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang ở thăm Trung Quốc hai ngày với các quan chức Trung Quốc đã không đạt được tiến bộ nào trong việc thu hẹp bất đồng về việc bằng cách nào giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông cũng nhưng cách thức chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.

> Căng thẳng lãnh thổ chờ bà Clinton ở Bắc Kinh

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh hôm 5-9. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Clinton đã gặp Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì của Trung Quốc cùng các quan chức cao cấp khác trừ ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch nước.

Phía Mỹ đang thúc đẩy để Trung Quốc trở nên linh hoạt hơn trong việc làm giảm căng thẳng ở Biển Đông và muốn Trung Quốc ngừng ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Tuy nhiên, phát biểu của Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì tại cuộc họp báo chung sau hội đàm song phương chứng tỏ hai nước vẫn còn chia rẽ sâu sắc đối với hai vấn đề nói trên.

Hai bên chỉ cho biết vẫn duy trì cam kết làm việc cùng nhau bất chấp việc vẫn còn bất đồng. Mỹ và một số nước khác đã tỏ ra thất vọng trước việc Trung Quốc và Nga liên tiếp sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn cản các hành động có thể dẫn đến trừng phạt chế độ của Tổng thống Assad.

Phía Trung Quốc nói rằng cuộc nội chiến ở Syria cần được giải quyết thông qua thương lượng chứ không phải nhờ sức ép từ bên ngoài.

Bộ trưởng Dương Khiết Trì nói tại cuộc họp báo chung với bà Clinton: "Tôi cho rằng lịch sử sẽ phán quyết lập trường của Trung Quốc về vấn đề Syria là thúc đẩy cách giải quyết thích hợp tình hình ở Syria vì cái điều mà chúng ta nghĩ là lợi ích của nhân dân Syria và khu vực cũng như lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và toàn thế giới".

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Ngoại trưởng Clinton cũng được cho biết là Trung Quốc không đồng ý với việc Mỹ can thiệp vào châu Á. Mở đầu cuộc gặp Ngoại trưởng Clinton, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói: "Mỹ nên tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, tôn trọng những lợi ích cốt lõi và tình cảm của nhân dân Trung Quốc".

Phát biểu của ông Dương là lời quở trách trực tiếp đối với câu nói của bà Clinton rằng việc phủ quyết của Nga và Trung Quốc đã đặt hai nước này ở phía sai trái của lịch sử.

Ngoại trưởng Mỹ đáp lại lời ông Dương rằng bạo lực ở Syria đã sôi trào sang cả các nước khác như Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ khiến Hội đồng Bảo an phải có hành động.

Bà Clinton nói: "Ai cũng biết chúng tôi thất vọng với hành động ngăn cản của Nga và Trung Quốc về những nghị quyết nghiêm khắc hơn của Hội đồng Bảo an đối với chính phủ Syria và chúng tôi hy vọng tiếp tục đoàn kết trước một con đường thực tế đi tới chấm dứt bạo lực ở Syria".

Lúc đầu Ngoại trưởng Mỹ Clinton có lịch gặp Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng cuối cùng lịch này đã bị hủy vì những lý do không chờ đợi.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong đang ở thăm Bắc Kinh cũng bị hủy không có lời giải thích nào.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Dương Khiết Trì nói rằng không cần phải có những lời đồn đại không cần thiết về sự thay đổi trong chương trình làm việc của Ngoại trưởng Clinton trong chuyến thăm này.

Trước khi gặp Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Clinton nói rằng quan hệ Mỹ-Trung vẫn mạnh dù còn những bất đồng về các vấn đề như Syria, Biển Đông, và nhân quyền.

Bà Clinton nói: "Chúng ta có khả năng thăm dò những lĩnh vực đồng và bất đồng quan điểm theo một cách rất cởi mở, mà theo tôi điều đó thể hiện sự chín muồi trong quan hệ giữa hai nước và cơ hội để đưa mối quan hệ đó tiến xa hơn trong tương lai.

Ngoại trưởng Clinton đến Bắc Kinh sau khi thăm Indonesia nơi bà đã thúc giục các quốc gia Đông Nam Á thành lập một mặt trận thống nhất để làm việc với Bắc Kinh nhằm làm giảm bớt sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Mỹ muốn Trung Quốc và các bên tranh chấp chủ quyền thông qua một bộ quy tắc ứng xử trong khu vực có tính ràng buộc, cùng một tiến trình giải quyết tranh chấp trên biển không ép buộc, đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Ngoại trưởng Clinton muốn Trung Quốc từ bỏ lập trường lâu nay về việc giải quyết xung đột với từng quốc gia riêng rẽ để thay vào đó là giải quyết trong một cơ chế đa phương cho phép các quốc gia nhỏ bé hơn có điều kiện đàm phán nhiều hơn.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng bà mong muốn tất cả các bên đạt được một tiến bộ có ý nghĩa vào dịp Hội nghị Cấp cao Đông Á tháng 11 tới ở Campuchia mà Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định sẽ tham dự.

Bà Clinton nói: "Tôi tin rằng đã đến lúc tiến hành những công việc đó giúp làm giảm bớt căng thẳng và tạo tạo ra một bộ quy tắc ứng xử trong giai đoạn tiếp theo”.

Bộ trưởng Dương Khiết Trì nhắc lại tuyên bố của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận các cuộc tranh chấp biển nhưng chỉ thông qua các cuộc đàm phán song phương.

Bộ trưởng Dương cũng tỏ ra lạnh lùng với ý tưởng đạt được một thỏa thuận trước tháng 11 tới, nói rằng Trung Quốc và một số bạn bè của Trung Quốc trong ASEAN muốn làm việc đi thẳng tới việc cuối cùng thông qua một bộ quy tắc ứng xử.

Ông Dương cũng bác bỏ sự căng thẳng ở Biển Đông đe dọa thương mại hàng hải quốc tế.

Ngoại trưởng Clinton đã đi được nửa chặng đường trong chuyến thăm 11 ngày tới 6 nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, mở đầu bằng chuyến thăm Đảo Cook.

Sau Bắc Kinh, bà Clinton sẽ tới Đông Timor và Brunei trước khi lên đường sang Nga để dự Hội nghị APEC ở Vladivostok.

Đ.P
Theo AP

Theo Báo giấy