> Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
> Nhịp phách ca trù ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ông Nguyễn Sỹ Tuyên ở số 125B phố Nguyễn Khuyến là người nảy ra ý định mời phường ca trù về hát tại đám cưới của con gái mình. Ông Tuyên chuyên sưu tập, nghiên cứu đồ cổ và chế tác đồ giả cổ.
Khách dự tiệc bước qua cái rạp chừng 10m2, vào nhà chính, ai cũng ngỡ ngàng bởi những vật dụng trong nhà ông như bàn, ghế, bình hoa, tủ đựng đồ, lục bình, sập tiếp khách… không màu nâu thì cũng có sắc vàng, đầy tinh thần hoài cổ.
Ông Tuyên chia sẻ việc mời nghệ nhân ca trù biểu diễn tại đám cưới của con gái mình: “Chúng tôi là những con người Việt Nam, từng nghe ông cha nói nhiều về loại hình văn hóa - hát ca trù. Trước khi giáo phường Thăng Long biểu diễn hôm nay, tôi đã mời họ về đây ít ngày để diễn như thật nhằm kiểm định chất lượng. Và tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi tiếng ca, nhịp phách mà các nghệ sĩ đem đến. Tôi không sử dụng âm nhạc hiện đại vì ít nhiều bị lai căng, ồn ào không đúng tính chất của một lễ trọng như đám cưới!”.
Trong tiệc cưới, các nghệ sĩ của giáo phường ca trù Thăng Long được bố trí ngồi trên một cái sập gần trung tâm của ngôi nhà. Quan khách dự tiệc ngồi sát nghệ sĩ biểu diễn.
Ranh giới giữa người diễn và người thưởng thức dường như không có, đặc biệt ca nương hát mộc mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý âm thanh nào. Các nghệ sĩ sẽ cũng đối mặt trực tiếp với áp lực, nhất là khi gặp phải khán giả sành ca trù.
Vì họ sẵn sàng đưa ra những yêu cầu, thậm chí khen chê đào nương tại trận. Nếu ca nương không có nhiều vốn nghề, trải nghiệm và đủ tỉnh táo để đáp ứng được những “đơn đặt hàng” từ khán giả thì rất dễ “vỡ trận”.
Trước một không gian không theo ý mình, trong tiếng nói chuyện ồn ào của khách dự đám cưới, người qua kẻ lại…, ca nương vẫn phải tập trung vận khí để giọng hát vang và truyền tải được “cái hồn” của ca trù tới người thưởng thức.
Ca nương hát chính trong buổi diễn tại đám cưới kể trên là Phạm Thị Huệ và Phạm Thị Mận. Cả hai cô đào cũng như các nghệ sĩ giáo phường Ca trù Thăng Long biểu diễn tại đám cưới hôm đó, đã thể hiện được đẳng cấp cũng như tính chuyên nghiệp của mình.
Bởi lẽ, nhiều vị khách tới yêu cầu và “bắt bẻ” đào Huệ hát những bài được xem là kinh điển như: Kiếp nhân sinh (Nguyễn Công Trứ), Tự tình (Cao Bá Quát), Đào Hồng đào Tuyết (Dương Khuê), Gặp xuân (Tản Đà), Duyên nợ (Nguyễn Khuyến)…
Bằng kinh nghiệm và tài năng, họ đã đem đến những bản ca trù rất có hồn bằng một giọng thanh, cao, vang, ém hơi nhả chữ thuần thục. Hát tròn vành rõ chữ, nảy hạt, đổ con kiến đâu ra đấy. Các ca nương vừa hát vừa gõ phách, tiếng phách vừa chắc vừa giòn, lời ca và tiếng phách ăn khớp khiến cho quan khách bị thu hút, lắc lư theo.
Sau buổi diễn, ông Đinh Trọng Cân - giám đốc một công ty vận tải bày tỏ: “Ca trù hay thật. Trước đây tôi chỉ được nghe trên sóng phát thanh, giờ mắt thấy tai nghe lại càng thấm thía”.
Anh Nguyễn Xuân Thủy, một trí thức trẻ thì nói: “Đây là lần đầu tiên tôi được nghe hát ca trù trực tiếp. Hay và ý nghĩa hơn khi tiếng hát, nhịp phách ca trù lại vang lên ở trong không gian là buổi tiệc cưới. Tuy nhiên tôi thấy hơi tiếc, bởi nếu sắp xếp chương trình ở một không gian tách biệt thì sẽ chất lượng hơn, tránh được tiếng ồn ào, đúng với tính chất của ca trù. Dù sao nên nhân rộng cách làm này để bảo tồn và phát huy ca trù”.
Khoảng 70 năm trước, nghệ nhân Phạm Phú Đệ (90 tuổi) thầy của đào Huệ cũng từng đi đàn hát đám cưới, khao vọng thời đó. Nghĩa là, trải qua gần một thế kỷ, ca trù mới xuất hiện trở lại nơi đám cưới. Có thể thấy đây là tín hiệu đáng mừng, vì ca trù xem ra đã bắt đầu trở lại với đời sống của người dân Hà thành.
Sự tái hợp này không chỉ góp phần tiếp sức cho ca trù mà còn là cơ hội để nhiều khán giả được tiếp xúc với loại hình âm nhạc vẫn đang trong nguy cơ thất truyền này.