Đắk Nông: Vì sao nhiều vụ xâm hại rừng thông phải đình chỉ điều tra?

TPO - Sau bài viết “Hàng loạt thông non ở Đắk Nông lại bị chặt phá”, ngày 3/3 Tiền Phong nhận được phản hồi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Nông. Đơn vị này cũng cho biết thêm nhiều nhân khiến nhiều vụ rừng thông bị xâm hại nhưng phải đình chỉ điều tra.
Rừng thông dọc Quốc lộ 14, đoạn qua huyện (Đắk Song) bị chết hàng loạt

Theo đó, Sở NN&PTNT Đắk Nông khẳng định phản ánh của Tiền Phong về tình trạng hủy hoại rừng thông (trong đó có cả thông non) trên địa bàn là hoàn toàn có thật. Cụ thể, ngày 28/12/2020, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song phối hợp UBND xã Trường Xuân kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ 2 vụ chặt phá 105 cây thông trồng năm 2019, tại tiểu khu 1665, 1682 nhưng chưa xác định đối tượng vi phạm. Trước đó, tháng 8/2020, tại xã Đắk N'Drung (Đắk Song) cũng có 180 cây thông từ 1 - 3 năm tuổi bị chặt phá, đầu độc bằng hóa chất.

Thông non bị chặt phá

Ngoài ra, sở này còn thông tin hàng nghìn cây thông từ 10 - 20 năm tuổi dọc Quốc lộ 14  (đoạn qua huyện Đắk Song) bị xâm hại bằng thủ đoạn ken, vạc đổ hóa chất, diễn ra trong thời gian dài. Từ năm 2010 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song phối hợp chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý 149 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực Lâm nghiệp tại khu vực rừng phòng hộ Quốc lộ 14 (chủ yếu là các hành vi ken, đẽo gốc, khoan lỗ, đổ hóa chất vào cây thông trưởng thành; phá rừng trồng chưa thành rừng).

Phần lớn các vụ xâm hại rừng thông thường phát hiện chậm, không bắt được đối tượng do xảy ra ban đêm, cây bị ngấm hóa chất chưa chết ngay. Nhiều vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm, công an phải đình chỉ điều tra do không xác định được đối tượng vi phạm, nên chưa bảo đảm tính răn đe.

Ngoài ra, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân cây thông chết do bị đổ hóa chất. Bởi, theo công văn số 622 của Cục Bảo vệ thực vật thì hoạt chất 2,4D (loại chất mà các đối tượng đổ vào gốc cây thông) chưa được đăng ký sử dụng bằng phương pháp khoan lỗ tiêm vào thân cây để diệt trừ cây lâm nghiệp, thân gỗ khiến cơ quan  điều tra không có cơ sở để xử lý…

Nhiều vụ đầu độc rừng thông không tìm ra thủ phạm

Hiện, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo huyện Đắk Song xây dựng đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Quốc lộ 14. Sở NN&PTNT cũng đang xây dựng phương án ứng dụng công nghệ viễn thám thí điểm quản lý, bảo vệ rừng thông dọc Quốc lộ 14 trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Liên quan đến vụ rừng thông Đắk Song (Đắk Nông) bị đầu độc bằng hóa chất, ngày 6/2/2021, Tòa án quân sự khu vực 2 (Quân khu 5) đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 6 bị cáo tổng cộng 48 năm tù về tội hủy hoại rừng.