Đắk Lắk đối thoại với 200 doanh nhân

TPO - Chiều 1/2, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức đối thoại với 200 doanh nhân, đại diện hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhiều kiến nghị đã nhanh chóng nhận được phản hồi, hỗ trợ.

Mở đầu phần trình bày, ông Huỳnh Thanh Sơn- Phó giám đốc công ty cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk nêu khó khăn trong giải quyết các thủ tục thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến dự án bị chậm triển khai, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Ý kiến của ông được đại diện lãnh đạo huyện Cư M’gar (nơi công ty đang triển khai dự án) ghi nhận và đề nghị có buổi làm việc cụ thể để giải quyết, tháo gỡ.

 Ông Chu Văn Quý nêu nhiều bức xúc 

Một trong những vấn đề doanh nghiệp "kêu" nhất liên quan đến ngành thuế. Ông Chu Văn Quý- Giám đốc công ty cổ phần thương mại vật tư nông nghiệp Krông Buk (thị xã Buôn Hồ) bức xúc về việc bị truy thu thuế đất vào năm 2017. Ông cho hay: Công ty thành lập vào năm 1990, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phân bón. Từ trước đến nay, công ty luôn tuân thủ việc nộp thuế đúng hạn, đủ số tiền do Chi cục thuế thị xã Buôn Hồ đưa về. Tuy nhiên không rõ vì lý do gì, cuối năm 2017 Kiểm toán khu vực 12 làm việc với Chi cục thuế thị xã Buôn Hồ rồi bắt công ty nộp 410 triệu đồng, gọi là tiền truy thu thuế và tiền phạt vì nộp chậm, nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế thu hồi tài sản. Ông Quý phải vay nóng để đóng.

Ngoài ra, thửa đất 607 m2 - nơi công ty đặt văn phòng đại diện cũng đang bị kê vào diện thu hồi khiến ông trở tay không kịp. Ông làm đơn gửi cơ quan chức năng xin được tiếp tục thuê nhưng không được hồi âm; đến Chi cục thuế thị xã Buôn Hồ đề nghị cung cấp thông tin thì không nhận được sự hợp tác.

Đại diện doanh nghiệp vận tải tỉnh Đắk Lắk cũng phản ánh việc phương tiện đang đi trên đường thì bị cơ quan thuế chặn lại kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa. Có những đòi hỏi vô lý: Ví dụ lượng hàng lớn chỉ được xuất một hóa đơn nhưng phải chở bằng nhiều ô tô. Cán bộ thuế chặn xe nào cũng đòi xuất trình hóa đơn bản gốc, làm sao doanh nghiệp đáp ứng được?     

Vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay cũng được doanh nghiệp phản ánh nhiều. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Chủ tịch hội đồng kiêm giám đốc HTX dịch vụ vật tư nông nghiệp Đoàn Kết (thôn 13, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: HTX có nhiều dự án đầu tư sinh lời cao nhưng không thể triển khai vì không vay được vốn. Cả ngân hàng nhà nước và thương mại đều không chấp nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên HTX để vay vốn. Qua đây, ông cũng mong muốn cơ quan chức năng cho tiếp nhận hơn 3 sào đất của một HTX cùng địa bàn đang chuẩn bị giải thể. Vì hiện tại HTX của ông chỉ có 300 m2 đất đủ để đặt văn phòng chứ không có đất sản xuất, kinh doanh phục vụ người dân.

Các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cũng được nhiều doanh nghiệp góp ý, kiến nghị.

Năm 2017, tỉnh Đắk Lắk có 6.889 doanh nghiệp, 299 HTX, 3 Liên hiệp HTX và khoảng 5.100 Tổ hợp tác còn hoạt động. Tỉnh cũng tiếp nhận 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 49,9 triệu USD.