Đại học Quốc gia Hà Nội đưa môn golf vào giảng dạy từ năm học 2021-2022 ​

TPO - Theo lãnh đạo trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trường sẽ đưa golf vào dạy học từ năm học tới và sinh viên được quyền lựa chọn học một trong các bộ môn thể thao golf, bơi lội, cầu lông, bóng bàn.

Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc đưa golf vào học đường giảng dạy được coi là bước đi mới. Đồng thời kế hoạch này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc tạo điều kiện cho các sân golf phát triển và đề cao thu hút du lịch golf, cơ chế chính sách mở đường cho ngành công nghiệp golf Việt Nam phát triển thuận lợi.

Ở phía nam và nhiều trường đại học tư thục đã đưa môn thể thao golf vào giảng dạy.

Năm 2017, Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) liên kết đào tạo ngành golf với Đại học Konkuk (Hàn Quốc). Khi chọn ngành golf của HIU, sinh viên được học trực tiếp với các chuyên gia, HLV tên tuổi của Đại học Konkuk. Trong suốt khóa học, nhà trường sẽ cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ học tập môn golf cho sinh viên.

Ngoài trưởng đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường đại học Tôn Đức Thắng cũng đưa golf vào giảng dạy. 

Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, Đại học Quốc gia Hà Nội – trường đại học công lập đầu tiên triển khai kế hoạch này.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa công bố phương án tuyển sinh và chỉ tiêu vào trường.

Theo đó, năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 11.250 chỉ tiêu, với 132 ngành/chương trình đào tạo (chuẩn, chất lượng cao, tài năng, tiên tiến) thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với nhiều phương thức xét tuyển.

Xét tuyển Đợt 1 của trường theo 3 phương thức:

Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Quy định đặc thù, Hướng dẫn tuyển sinh của ĐHQGHN;

Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng được quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của Nhà trường;

Xét tuyển theo các phương thức khác:

Xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQGHN tổ chức năm 2021 và các chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT, IELTS và chứng chỉ quốc tế tương đương – có trong danh mục quy định của ĐHQGHN);

Xét hồ sơ năng lực (kết quả học tập bậc THPT, phỏng vấn, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hoặc thí sinh có bằng tú tài quốc tế) đối với một số đơn vị đào tạo có hợp tác quốc tế và chương trình dạy bằng tiếng Anh;

Xét tuyển thí sinh là người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu theo quy định của ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT.