Trong khi các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Nguyên đang trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, thu hút những tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư kinh doanh như Samsung, Honda, Toyota…thì Hà Nội ngày càng hụt hơi trong tiến trình này. Những nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đều coi những địa phương ven Hà Nội là những mảnh đất lành để làm ăn. Hàng loạt những “tổ đại bàng” được các địa phương này xây dựng, mời gọi các nhà đầu tư đến “đẻ trứng”.
Tại Hà Nội thì sao? Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa công bố một thông tin khiến nhiều người giật mình: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Hà Nội chưa phát triển được thêm một khu, cụm công nghiệp mới nào.
Vậy tại sao các nhà đầu tư lớn không phát triển các khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội. Ngoài vấn đề giá đất, suất đầu tư tại Hà Nội luôn cao hơn các địa phương khác thì rào cản lớn không kém ở Hà Nội hiện nay là cơ chế, thủ tục đầu tư. Vĩnh Phúc tạm ứng tiền ngân sách hàng trăm tỷ để giải phóng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư Nhật Bản làm khu công nghiệp. Tỉnh này cũng có Câu lạc bộ cà phê doanh nghiệp, hàng tuần lãnh đạo tỉnh tiếp doanh nghiệp, vừa uống cà phê vừa tháo gỡ ngay những vướng mắc. Tại Bắc Ninh, Bắc Giang lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư nhỏ, sau giờ làm việc, xử lý ngay những kiến nghị của họ. Sự trân trọng, cầu thị của lãnh đạo nhiều tỉnh với những chiếc thảm êm thực sự đã thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền của ra sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Còn tại Hà Nội, một nhà phát triển khu công nghiệp thẳng thắn nhận định: Lãnh đạo thành phố nhiều năm qua không quan tâm đúng tầm nội dung này. Cùng với đó là sự “thiếu thân thiện” của các sở, ngành bên dưới. Nhà đầu tư kể câu chuyện việc doanh nghiệp xin xây dựng khu nhà ở cho công nhân 6 tầng trong khu công nghiệp. Việc tưởng chừng hết sức đơn giản và cần được khuyến khích, thế nhưng thủ tục và hồ sơ xin phép xây dựng mất gần 9 tháng trong khi thời gian thi công xây dựng thực tế khu nhà này cũng chỉ mất 9 tháng.
“Sự thiếu thân thiện” của các sở, ngành Hà Nội với các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp được cắt nghĩa là câu chuyện lợi ích, và đằng sau nữa là chi phí ngầm. Với một dự án bất động sản cần 1- 2 ha đất, nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, xây chung cư, nhà liền kề để bán, thì vòng đời dự án chỉ tối đa 4- 6 năm. Đây được ví von là nuôi gà thịt, vốn quay vòng nhanh, lợi nhuận lớn, sẵn sàng bỏ ra chi phí ngầm lớn để “bôi trơn”. Còn phát triển khu, cụm công nghiệp được ví như nuôi gà đẻ trứng. Cần diện tích đất lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ từ xử lý môi trường cho đến nước sạch. Vòng đời dự án dài tới 50- 70 năm, với cách “thu tiền lẻ” hàng năm từ bán trứng gà.
Tuy nhiên, đất rồi cũng có lúc hết, Hà Nội không thể mãi chăm chăm bán đất làm bất động sản. Muốn phát triển bền vững phải từ sản xuất kinh doanh, phải có những tổ lớn để đón đại bàng, có ao sâu cho cá lớn vùng vẫy như quyết tâm mà Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu ra tại Hội nghị “Hà Nội- Hợp tác Đầu tư và Phát triển” mới đây.