Bộ máy hành chính tinh gọn
Theo Dự thảo này, yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút đầu tư là tinh gọn bộ máy hành chính. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, đặc khu sẽ có quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành nghề như tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến, khu thương mại tự do Thượng Hải (Trung Quốc).
“Hiện nay, nhà đầu tư muốn xin cấp phép dự án (DA) phải thông qua nhiều cấp thẩm định từ UBND tỉnh đến Thủ tướng (trong một số trường hợp theo quy định), nhưng với DA tại đặc khu kinh tế, Trưởng đặc khu được toàn quyền quyết định và chịu mọi trách nhiệm trước Chính phủ”, ông Đông nói.
Thủ tục hành chính, chính quyền các đặc khu sẽ áp dụng dịch vụ hành chính “một cửa, tại chỗ”, UBND đặc khu toàn quyền giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư. Khi xảy ra vướng mắc, mọi thủ tục được giải đáp nhanh gọn, do Trưởng đặc khu toàn quyền quyết định, trừ các DA liên quan đến quốc phòng, an ninh.
“Trong Dự thảo luật vẫn tiềm ẩn tư tưởng xin cho, nhất là với việc trao quyền cho Trưởng đặc khu. Tôi cho rằng nên sửa quy định Trưởng đặc khu được thực hiện quyền lực đến đâu trong Dự thảo luật bằng việc, quy định những việc Trưởng đặc khu không được làm. Điều này sẽ giúp Trưởng đặc khu thực hiện những gì pháp luật không cấm sẽ thuận lợi hơn”, ông Trần Du Lịch, nguyên Đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM đánh giá.
Một trong những điểm đặc biệt mà Dự thảo luật này đưa ra như cho phép nhà đầu tư được thế chấp tài sản gắn với đất tại các ngân hàng nước ngoài để linh hoạt huy động vốn. UBND đặc khu được huy động vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Với một số công trình thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, khi xảy ra tranh chấp (giữa các nhà đầu tư hoặc giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước Việt Nam), nhà đầu tư được chọn pháp luật nước ngoài giải quyết.
Để nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, các đặc khu sẽ được mở rộng ngành, nghề đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho người nước ngoài đầu tư kinh doanh và sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mua nhà, đất và có sổ đỏ để chuyển nhượng, mua, cho thuê, tặng cho, thừa kế chung cư, căn hộ riêng lẻ và cả bất động sản nghỉ dưỡng.
“Để môi trường kinh doanh thông thoáng, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại các đặc khu kinh tế giảm xuống còn 63 ngành, liên quan đến quốc phòng an ninh. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư con số ngành nghề này lên tới 243”, ông Đông cho biết.
Nguy cơ khó thu hút đầu tư?
Dự thảo Luật này có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai chưa từng có trong lịch sử đầu tư của Việt Nam. DA đầu tư thuộc ngành, nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; trung tâm nghiên cứu và phát triển sẽ được thuê đất lên tới 99 năm (quy định hiện nay không quá 70 năm) và miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cả đời DA. Về thuế, DA được miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm (tính từ khi bắt đầu sản xuất); thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Để thúc đẩy du lịch, khách quốc tế được mua hàng miễn thuế không hạn chế, khách Việt Nam được tăng lên 2 lần so với các khu vực khác. Miễn thị thực và cấp thị thực điện tử với thời gian tạm trú không quá 60 ngày cho người nước ngoài. Dự thảo luật đề xuất cho phép cá nhân, tổ chức giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại tệ.
Với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế suất hiện hành. Người chơi cao cấp sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn để cạnh tranh với casino của Singapore và đặc khu hành chính Macao.
TS Trần Du Lịch, nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, người từng tham gia hội thảo bàn về Dự thảo Luật các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho rằng, Luật đặc khu kinh tế nổi trội, chỉ phải tuân thủ Hiến pháp và vượt lên mọi quy định của các luật khác, tuy nhiên sự nổi trội này chưa vượt lên so với các ưu đãi của đặc khu khác trên thế giới đã thành lập.
“Đặc khu kinh tế của Việt Nam ra đời sau, dù có nhiều đột phá nhưng chưa ưu đãi vượt bậc so với các đặc khu khác trên thế giới. Tôi e ngại sẽ khó thu hút nhà đầu tư tiềm năng đến các đặc khu kinh tế này”, ông Lịch nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, các đặc khu kinh tế khó thu hút đầu tư bởi các chính sách ưu đãi được cóp nhặt từ kinh nghiệm của một vài mô hình đặc khu trên thế giới. Như xây dựng đặc khu kinh tế theo phương pháp tích hợp đa ngành; cho phép nhà đầu tư chọn giải quyết tranh chấp bằng pháp luật nước ngoài như tại Thâm Quyến, khu thương mại tự do Thượng Hải, Khu công nghiệp Tô Châu (Trung Quốc); Du bai (Tiểu Vương quốc Ả Rập UAE); thành phố Jeju (Hàn Quốc).
Trong dự thảo đưa ra, Ban soạn thảo chưa làm rõ ưu đãi nổi bật của các đặc khu này so với đặc khu đang hoạt động trong khu vực. “Là người đi sau, chúng ta phải khác biệt. Nếu chính sách chỉ tương tự các đặc khu đã có, nhà đầu tư sẽ không đến với Việt Nam”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo một lãnh đạo Bộ KH&ĐT, dự kiến, Dự thảo Luật đặc khu kinh tế sẽ được thảo luận trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới.
Bộ KH&ĐT kỳ vọng, từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương hàng tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.
Cơ hội để bứt phá vươn lên
Theo GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình đặc khu kinh tế không phải là phát minh mới và nhiều nước đã làm. Lí do xây dựng đặc khu kinh tế là tạo ra khu vực có thể chế vượt trội để luật lệ thông thoáng, thu hút nhà đầu tư tốt nhất, làm ra sản phẩm tốt nhất để lan tỏa ra vùng xung quanh. Đây là lí do quan trọng nhất, tạo hạt nhân phát triển, hình mẫu phát triển để nền kinh tế làm theo.
“Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, nhà nước không thể chia đều cho mọi nơi. Việc tạo nguồn lực cho một vài vùng đặc biệt và tạo ra thể chế thông thoáng để họ bứt lên là điều nước nghèo, nước đi sau cần phải làm”, ông Thiên cho biết.