Đã uống rượu bia thì không cầm lái

TP - Ngày 4/6, trong cuộc họp với các cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo lực lượng CSGT chốt trực ngay bên ngoài các nhà hàng, quán nhậu để kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

> CSGT chặn trước nhà hàng xử phạt người uống rượu lái xe
> Đề xuất kiểm tra đột xuất uống rượu bia sau 23h

Tiền Phong trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (ảnh), Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Cục C67, Bộ Công an )về vấn đề này.

Ông Tuyên nói: “Nếu anh uống xong vẫy taxi đi thì không sao nhưng cứ leo lên ô tô hoặc xe máy cầm lái là CSGT phải xử lý. Hành vi cầm lái khi đã uống rượu bia là vi phạm pháp luật rõ ràng rồi”.

Lãnh đạo UBND TPHCM vừa giao cho CSGT xử lý những vi phạm này ngay trước các quán nhậu. Tuy nhiên, dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều, vậy quan điểm của Cục C67 về việc này?

Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, xử lý kiên quyết, đã uống rượu, bia là không lái xe.

Theo ông Tuyên, đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu vẫn cố tình thì CSGT xử lý nghiêm. Ảnh: Trọng Đảng.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, xử lý uống rượu bia là phần ngọn, trong khi sản xuất rượu bia vẫn tràn lan. Vậy, chúng ta có tính đến việc hạn chế việc sản xuất rượu bia?

Đây là việc của cơ quan quản lý, nhưng kinh nghiệm của các nước phương Tây thì vấn đề này họ làm rất bài bản, rất chặt chẽ. Tôi đi công tác và có hỏi việc này ảnh hưởng thế nào đến tâm lý người dân, đến cuộc sống hằng ngày, họ cũng phải thốt lên: “Chính phủ tiền cũng nhiều nhưng không bằng tiền quảng cáo của các hãng sản xuất rượu bia”. Cho nên việc làm vừa qua của mình rất nhỏ nhoi và tác động đến xã hội cũng không được bao nhiêu. Trách nhiệm của CSGT được pháp luật giao thì cứ phải làm, nhưng không lại được với những “chiến dịch” quảng bá về rượu bia của các nhà sản xuất.

Một số chủ nhà hàng đồng tình với việc xử lý đó, nhưng họ cũng lo ngại công an chỉ chăm chăm xử lý vi phạm trước nhà hàng này mà lại không xử lý vi phạm trước nhà hàng kia, dẫn đến không khách quan, đôi khi thiếu lành mạnh.

Hà Nội và các thành phố lớn hiện có hàng ngàn nhà hàng, quán bia nên không lực lượng cảnh sát nào đủ để rải ra hết. Tất nhiên, trong một đợt nào đó chúng tôi tập trung vào các trọng tâm trọng điểm, các chỗ phức tạp về tình hình rượu bia, chứ không thể làm dàn trải. Chúng tôi luôn phải nhắc nhở, giáo dục những người thi hành công vụ phải tuyệt đối khách quan, trong sáng trong kiểm tra xử lý, tránh để người dân hiểu lầm.

CSGT đã thí điểm xử lý nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông tại Hà Nội và nay là TPHCM. Cục đã có đánh giá về kết quả ban đầu?

Luật quy định như vậy, nhưng tác động đối với người tham gia giao thông chưa cao, đặc biệt là tuyên truyền, xử lý, vì nó rất nhạy cảm và khó. Hiện nay mới có những động tác thử nghiệm, để hằng ngày đo xem lượng người uống rượu bia khi tham gia giao thông là bao nhiêu phần trăm, từ đó có những tham mưu, đưa ra chính sách cụ thể trong chế tài. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới đều muốn làm triệt để, nhưng thực tế không thể mà chỉ có tính chất giáo dục, răn đe.

Những tháng mùa hè, tình trạng người điều khiển phương tiện uống rượu bia tăng đột biến. Ngoài TPHCM, Cục có chỉ đạo các Phòng CSGT ở công an các địa phương đồng loạt triển khai xử lý vi phạm này?

Chương trình hạn chế, giám sát người điều khiển phương tiện uống rượu bia là chương trình đang được thử nghiệm của Ủy ban ATGT Quốc gia. Công việc này đang áp dụng thí điểm tại một số địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... và tiến tới sẽ được đánh giá để nhân rộng. Chúng tôi xác định đây là công việc cần nhiều lực lượng và phương tiện hỗ trợ. Trước mắt, trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, lực lượng CSGT đang thường xuyên giám sát, xử lý hành vi này một cách kiên quyết.

Cảm ơn ông.

Phùng Sưởng - Trọng Đảng
Thực hiện

Theo Báo giấy