Đã tìm được người thân cho thương binh mất trí nhớ Trần Ngọc Bảo

TP - Sau mấy chục năm, sau nhiều nỗ lực và sự phối hợp của nhiều cơ quan mới xác định được người thân cho một thương binh sọ não mất trí nhớ đã gần 80 tuổi.
Thương binh mất trí nhớ Trần Ngọc Bảo hát say sưa cùng các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam

Dịp 27/7 vừa qua, trong chuyến báo Tiền Phong phối hợp cùng Tập đoàn Him Lam và Hội CCB Cơ quan T.Ư Đoàn đi thăm, giao lưu, tặng quà 12 trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và người có công trên toàn quốc, đến Trung tâm ở Kim Bảng, Hà Nam, tôi áy náy nói với lãnh đạo Trung tâm về trường hợp bác thương binh mất trí nhớ ở đây.

Mặc dù báo Tiền Phong và BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã thông báo tìm người thân cho bác trong một số chương trình và nhiều sản phẩm truyền thông của báo và của cuộc thi, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm nào. Lãnh đạo Trung tâm phấn khởi nói: “Tìm được rồi. Đã tìm thấy anh của bác ấy ở Thừa Thiên - Huế”.

Ngày 29/7/2018, thay mặt BTC Hoa hậu Việt Nam 2018, chúng tôi đưa 3 thí sinh Nguyễn Hoài Phương Anh, Lại Quỳnh Giang và Nguyễn Phương Anh đang dự thi Vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam đến Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, người có công tại Kim Bảng. Các thí sinh có nhiệm vụ sống và làm việc ở đây 2 - 3 ngày, tham gia chuyện trò, chăm sóc các thương binh.

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng là nơi chăm sóc, điều dưỡng cho các thương binh, người có công bị di chứng chiến tranh ảnh hưởng đến não bộ. Đa số những người ở đây đều ít nhiều bị rối loạn tâm thần, nhận thức suy giảm so với người bình thường.

Trong buổi giao lưu văn nghệ sáng 29/7/2018 đó, một thương binh già bị mất trí nhớ tên là Trần Ngọc Bảo đã hát tặng các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 khiến cả hội trường xúc động. Bác Bảo đã 75 tuổi, người nhỏ thó, phát âm không thật rõ tiếng đã hát bài "Cuộc đời vẫn đẹp sao" rất nhiệt tình.

Sau bài hát đó là một không khí văn nghệ rất hào hứng. Bác Bảo đã cùng các cựu chiến binh khác và chúng tôi hát tiếp các bài “Vang mãi khúc quân hành", “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, "Năm anh em trên một chuyến xe tăng"...

Sau buổi giao lưu, lãnh đạo Trung tâm cho biết bác Bảo bị tổn thương não, không thể nhớ được thân thế, gia đình của mình. Hồ sơ của bác có nhưng không biết những người thân của bác đang ở đâu để liên lạc.

Chúng tôi đã đưa câu chuyện của bác Bảo lên báo Tiền Phong. Một vài chương trình và nhiều sản phẩm truyền thông của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 khi đó cũng chạy dòng thông tin về báo Bảo, mong muốn ai biết người thân của bác ở đâu thì phẩn hồi. Gần 3 năm qua, chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin nào.

Lãnh đạo Trung tâm Kim Bảng đưa cho chúng tôi công văn hồi đáp của UBND phường Phú Hiệp, TP Huế đề ngày 10/5/2021 trong đó thông báo trên cơ sở những thông tin do Trung tâm cung cấp, Phường đã làm việc với gia đình ông Trần Ngọc Vầy – thường trú tại phường và ông Vầy đã xác nhận ông Trần Ngọc Bảo, sinh ngày 08/10/1943 , quê quán Phổ Minh, Đức Phổ, Quảng Ngãi chính là em trai của mình.

Số là vừa qua, Trung tâm Kim Bảng đã gửi công văn đến tất cả những nơi có thể để nhờ tìm người thân cho thương binh Trần Ngọc Bảo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế không tìm thấy Hồ sơ thương binh Trần Ngọc Bảo và thông tin người thân của ông nhưng đã gửi văn bản đến UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế. Có lẽ từ nguồn đó mà UBND phường Phú Hiệp đã tìm thấy ông Trần Ngọc Vầy.

Văn bản của UBND phường Phú Hiệp cũng cho biết gia đình ông Trần Ngọc Vầy thuộc hộ nghèo năm 2021 của địa phương, mà ông Vầy cũng đã yếu nên không thể đón, cũng thể ra thăm em được. Ông Vầy nhờ Trung tâm tiếp tục chăm sóc ông Bảo.

Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và người có công Kim Bảng, báo Tiền Phong và Tập đoàn Him Lam thống nhất sẽ tổ chức chuyến đưa thương binh Trần Ngọc Bảo về thăm người anh ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.