Đà Nẵng: Rau xanh tăng giá vùn vụt, cả người dân và hàng quán đều 'khóc ròng'

TPO - Rau xanh tại các chợ ở Đà Nẵng những ngày này tăng giá vùn vụt, hầu hết lên gấp đôi, gấp ba, nhiều loại tìm mỏi mắt không ra. 

Tại chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), các tiểu thương cho biết các loại rau đều tăng giá gấp đôi ngày thường. Rau muống, rau lang, cải, rau dền 20.000 đồng/bó. Các loại rau húng, quế có giá từ 100.000 đồng/kg trở lên, tăng gấp hai, gấp ba lần. “Đắt nhưng có cũng may lắm rồi, nhiều hôm nhập không ra hàng mà bán, nhất là các loại rau thơm”, một tiểu thương cho hay.

Rau xanh trong các chợ ở Đà Nẵng đều tăng giá.

Chợ Hòa Cầm cũng “sốt” với rau xanh. Để người mua không ngợp với giá rau, nhiều người bán tăng nhẹ vài ngàn đồng nhưng bớt số lượng rau trong mỗi bó lại còn một nửa. Những bó rau lỏng lẻo như cải, rau lang, tần ô (cải cúc) có giá từ 13.000 – 18.000 đồng. Đặc biệt phải đi chợ sớm mới còn. Các loại rau thơm, rau răm cũng không sẵn hàng như trước vì giá quá chát.

“Bó rau bé tí thế này thì phải mua vài bó nhà tôi mới đủ ăn một bữa. Mọi năm gần Tết rau mới rục rịch tăng giá nhưng năm nay tăng sớm và cao quá. Với tình hình này thì chắc chắn Tết sẽ còn tăng nữa”, chị Thanh Thủy (32 tuổi, quận Cẩm Lệ) nói.

Vào chợ Đống Đa mua rau, bà Vĩnh Phương (quận Hải Châu) giật mình khi không thể dùng tiền lẻ mua bất kỳ loại rau nào trong chợ. “Còn mấy nghìn tiền lẻ, tôi ghé hàng rau mua ít rau thơm thì họ lắc đầu không bán vì các loại rau thơm đã từ 100.000 đồng/kg trở lên. Tôi đành mua 20.000 đồng, được một nắm nho nhỏ, chưa bằng một nửa so với ngày thường”, bà kể.

Giá rau cao gây khó khăn cho người bán lẫn người mua.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối Hòa Cường, nơi chuyên bỏ sỉ hàng nông sản cho các chợ khác ở Đà Nẵng, các tiểu thương cũng thở dài vì không chỉ tăng giá mà số lượng rau nhập về cũng khan dần.

Anh Hoàng Vương, chủ một quầy rau củ chia sẻ rằng anh thường nhập hàng từ Đắk Lắk, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Trung. Thời gian gần đây lạnh và mưa nhiều nên những nơi này trồng rau không được, hoặc gần tới ngày thu thì bị hỏng, thối, sâu bệnh.

“Số lượng rau nhập về giảm đi 60%, giá thì tăng lên. Giờ chỉ có phía Nam trồng rau được nhưng chúng tôi không dám nhập vì vận chuyển xa, cước xe quá lớn”, anh Vương lắc đầu.

Quán bỏ món ngon, nông dân lo mất Tết

Giá rau tăng cao khiến các hàng quán kêu trời. Những quán bán món ăn kèm rau sống, rau mùi như bún chả cá, mì Quảng, bún bò, bánh xèo, bánh tráng cuốn…không gồng nổi tiền mua rau. “Một tuần nay tôi không dám bán mì Quảng nữa mà phải chuyển sang các món xôi, bò kho để khỏi tốn tiền mua rau sống. Tiền rau chi ra gấp mấy lần ngày thường là hết lãi luôn”, bà Nguyễn Thị Bích (quận Cẩm Lệ) tính toán.

Thời tiết mưa lạnh khiến nông dân gieo trồng bất lợi.

Một số quán khác lại thay các loại rau đắt tiền bằng bắp su, giá đỗ, hoặc bỏ món rau ăn kèm rất tiết kiệm. “Khách người ta cũng biết do rau đắt mới phải làm vậy, họ thông cảm nhưng ăn không đúng vị, không ngon là họ chẳng tới nữa. Thành thử quán ế hẳn”, anh Văn Tuấn, chủ một quán ăn tại quận Liên Chiểu, nói.

Thời tiết miền Trung mưa lạnh kéo dài nhiều ngày qua gây bất lợi cho nông dân trồng rau. Ông Mai Văn Toàn (quận Cẩm Lệ) có 10 sào đất tại vùng rau an toàn La Hường, tuy nhiên mỗi ngày chỉ thu được khoảng 30 bó rau cải, rau lang đem bán. Theo ông, vì lạnh và mưa nên rau lớn rất chậm, dễ dập.

Dù giá tăng gấp đôi ngày thường, bạn hàng đến đặt tận vườn nhưng không có để bán. “Tôi đã xuống giống mấy loại cải, tần ô rồi mà mưa nhiều quá, chỉ sợ bí đất khiến hạt khó lên mầm và dễ hỏng. Mấy luống dưa leo trồng chờ bán Tết đã hư hết rồi, đành phá đi làm lại. Nếu thời tiết cứ thế này thì tới Tết nông dân không biết lấy gì để bán đây”, ông Toàn lo lắng.