“Số tiền này nằm hết ở lượng cổ phần mà ông và người thân đứng tên ở DAB. Tùy vào thời điểm và quy định của Ngân hàng Nhà nước mà số tiền để chia cổ tức cho cổ đông cũng thay đổi, có năm lên đến 40%, thấp nhất là 8%”, bị cáo Bình khai.
Theo bị cáo Bình khai nhận, bị cáo nhờ người thân mua cổ phần và nhận cổ tức thông qua tài khoản thẻ mở tại DAB. Những tài khoản này bị cáo Bình mở cho những người thân. Sau khi tiền cổ tức chuyển vào tài khoản người thân này, bị cáo Bình chỉ đạo họ chuyển về tài khoản của mình.
Để hợp thức hóa việc hoạch toán khống, bị cáo Bình khai chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện ký, xuất biên nhận cho phù hợp, đến cuối ngày điều chuyển về Hội sở.
Khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra DAB, ông Bình khai rằng nếu thấy có nội dung thanh tra liên quan đến hoạt động nào thì sẽ chỉ đạo các nhân viên bằng mọi cách che giấu.
Cụ thể, nếu như nội dung thanh tra liên quan đến hoạt động ngân quỹ thì sẽ chỉ đạo nhân viên điều chuyển các khoản khống tới các chi nhánh khác, nơi mà không bị thanh tra.
Sau cuộc kiểm tra khoảng 10 ngày, các chi nhánh, phòng giao dịch sẽ chuyển khoản âm quỹ về lại Hội sở DAB. Bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận, cách che giấu này đã sử dụng 10 năm nhưng thanh tra Ngân hàng Nhà nước không đặt nghi vấn gì.
Hồ sơ vụ án thể hiện, trong thời gian ông Trần Phương Bình giữ vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch hội đồng tín dụng DAB đã chỉ đạo cấp dưới chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho DAB hàng nghìn tỷ đồng.
Bị cáo Trần Phương Bình có vai trò chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng, tổng cộng gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỷ đồng.
Sai phạm của bị cáo Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng Ngân hàng Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.