Sáng 23/8, bác sĩ Trần Quang Vinh - Trưởng khoa hồi sức ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, đã tiếp nhận và cứu chữa thành công một bệnh nhi bị đa chấn thương vùng đầu khá nặng.
Theo ghi nhận từ gia đình, ngày 19/8, bé Hoàng Ái V. (8 tuổi, ngụ Bình Dương) đang chơi đùa trên lầu 4 tại nhà, trong lúc cha mẹ làm công việc dưới tầng trệt. Bất ngờ, người mẹ nghe thấy tiếng động lớn. Vội chạy về phía tiếng động phát ra nơi giếng trời trong nhà, chị kinh hoàng khi thấy con gái mình đã nằm bất động dưới chân cầu thang.
Ngay lập tức bé V. được chuyển đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Bé gái nhập viện trong tình trạng hôn mê, vật vã… Qua kết quả hình ảnh cận lâm sàng, bác sĩ xác định bệnh nhi bị vỡ, nứt nhiều nơi trong hộp sọ (gồm vùng trán, đỉnh đầu, chẩm…). Ngoài ra, bệnh nhi còn bị dập não, xuất huyết nội sọ, dập phổi bên trái.
Bé V. được hỗ trợ thở ô xy, theo dõi và điều trị nội khoa tích cực. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi từng bước cải thiện. Hiện bé V. đã tiếp xúc khá hơn, tự thở được. Kết quả chụp CT cũng cho dấu hiệu khả quan khi não của bệnh nhi đã bớt phù, tình trạng xuất huyết không tăng thêm. Bé vẫn đang được tiếp tục theo dõi, điều trị nội khoa tích cực. Tuy nhiên, bác sĩ chưa thể tiên lượng được điều gì.
“Nếu may mắn qua được cơn nguy kịch, bé có thể tiếp tục phát triển, đi học bình thường. Tuy nhiên, những tổn thương não có thể sẽ để lại di chứng khiến trẻ bị động kinh”, bác sĩ Vinh nhận định.
Nói về ca sống sót hy hữu này, bác sĩ Vinh cho rằng, nếu một trẻ rơi tự do từ lầu 4, tức từ độ cao 15-16m, xuống nền gạch thì cơ hội sống rất mong manh. Ở trường hợp bé V., có thể trong lúc rơi xuống, bé đã bị va đập vào các thành của cầu thang. Đó lại trở thành điều may mắn giúp giảm trọng lực của cơ thể khi tiếp đất.
Theo ông Vinh, tai nạn té lầu, té cầu thang rất thường gặp ở trẻ. Bệnh viện Chợ Rẫy từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự. Bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp trẻ té từ trên cao, kể cả ở những độ cao 1-2m, nếu có những biểu hiện bất thường như nói sảng, mê man, nôn ói... hoặc không có biểu hiện thì đều nên đưa đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời. Bởi một vài ngày sau tình trạng chấn thương sọ não mới trở nặng.
“Trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê, ngưng tim, ngưng thở, người sơ cứu cần hô hấp nhân tạo, nhấn tim cấp cứu tại chỗ, không đỡ bệnh nhân ngồi dậy, không kéo tay, kéo chân. Cần nhẹ nhàng nâng đỡ ở tư thế cố định đốt sống cổ, cột sống lưng, đặt bệnh nhân lên tấm ván thẳng và đưa đến bệnh viện. Sơ cứu, chuyển viện ban đầu sẽ giúp nạn nhân tránh được nguy cơ sang chấn thương nặng hơn gây đứt tủy, liệt các bộ phận trên cơ thể”, bác sĩ Vinh lưu ý.
Một khuyến cáo nữa đối với những người sống trong nhà cao tầng, cần thiết kế cửa sổ có song chắn, cầu thang phải có lưới bảo vệ để trẻ không thể trèo ra ngoài, khu vực giếng trời ở mỗi lầu cần có lưới ngăn ngang từng tầng. Trong trường hợp tai nạn xảy ra, tấm lưới sẽ là “bùa hộ mệnh” để bảo vệ sinh mạng cho mọi người trong nhà.