Bị cáo đề nghị triệu tập giám thị trại tạm giam
Sáng 14/7, phiên xét xử 14 bị cáo là các cựu sĩ quan Cảnh sát biển, Biên phòng, Cảnh sát giao thông trong vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức người đi nước ngoài trái phép” và “Không tố giác tội phạm”, tiếp tục xét hỏi và luận tội.
Tại phần khai báo trước đó, bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang; cựu Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia) nhiều lần phủ nhận tội danh, khẳng định không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ ông Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh). Bị cáo còn nói “bị ép cung, buộc phải nhận những gì không làm”.
Trước diễn biến này, đại diện Viện kiểm sát đề nghị ông Thế Anh nói rõ về việc bị ép cung, nếu có chứng cứ gì hãy nêu để HĐXX xem xét.
Cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang sau đó đọc 4 người là các điều tra viên, viện kiểm sát. Tuy nhiên, HĐXX đã ngắt lời và nói cần phải đưa ra chứng cứ chứng minh, nói lời không sẽ rất khó.
Đáp lại, bị cáo Nguyễn Thế Anh đáp: “Nếu bị cáo chỉ ra nơi có bằng chứng như đại diện Viện kiểm sát nói thì tòa và Viện kiểm sát có đến nơi đó làm rõ đúng sự thật khách quan không? Bởi trong thời gian tạm giam hơn một năm, bị cáo bị cơ quan điều tra đưa đi lấy cung khoảng 30 lần, đều có bút lục ghi lại, vậy trong sổ trích xuất chỉ thể hiện 9 lần đi lấy cung, còn hơn 20 lần kia đâu”.
Do đó, bị cáo đề nghị tòa triệu tập giám thị trại tạm giam, yêu cầu cung cấp sổ trích xuất để làm rõ.
Viện kiểm sát dẫn 'thư xin lỗi', bác nội dung kêu oan của cựu đại tá
Về những nội dung khai báo của Nguyễn Thế Anh, khi nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát quân sự cho biết, bị cáo Nguyễn Văn An (em họ của Thế Anh) khai mỗi lần nhận tiền từ Phan Thanh Hữu đã mang về nhà cất. Khi bị cáo Nguyễn Thế Anh đi công tác từ Hà Nội về gọi điện, An mới đưa tiền qua.
Cơ quan truy tố cáo buộc, tổng số tiền Phan Thanh Hữu đã chi để hối lộ cho Nguyễn Thế Anh trong thời gian từ tháng 10/2019 - 1/2021 là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng.
Theo Viện kiểm sát, Nguyễn Văn An còn viết trong bản cung nhiều lần nhận tiền và chi tiết số tiền Việt Nam đồng, USD. “Mỗi lần nhận tiền về, tôi đều mở ra xem, vì vậy tôi biết rõ số tiền nhận là bao nhiêu”, đại diện Viện kiểm sát trích lời khai của An.
Ngoài ra, cơ quan truy tố cho rằng, sau khi ông Nguyễn Thế Anh bị bắt, đã viết tâm thư xin lỗi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan vì sai lầm của mình khi giúp đỡ Phan Thanh Hữu thực hiện những phi vụ làm ăn phi pháp.
Trước đó, trả lời các câu hỏi của luật sư trong phiên tòa, ông Phan Thanh Hữu tái khẳng định, ít nhất có hai lần gặp bị cáo Nguyễn Thế Anh để thỏa thuận việc nhờ giúp đỡ buôn lậu xăng dầu.
Theo bị cáo Hữu, sau khi ông Nguyễn Thế Anh chuyển công tác từ Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia sang làm Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang, bị cáo Hữu đã giảm tiền hối lộ hàng tháng. Việc dừng này đã bị ông Nguyễn Thế Anh gọi điện “đe dọa”.
Vì vậy, căn cứ vào tài liệu chứng cứ, Viện kiểm sát xác định, ông Nguyễn Thế Anh đã “bảo kê” cho Phan Thanh Hữu buôn lậu xăng dầu. “Việc ông Thế Anh lợi dụng chức vụ của mình nhận tiền của Phan Thanh Hữu thông qua Nguyễn Văn An đã thỏa mãn tội nhận hối lộ”, Viện kiểm sát kết luận.
Đối với hành vi “Tổ chức người đi nước ngoài trái phép” của ông Thế Anh, Viện kiểm sát cho biết, tại phần khai báo của Nguyễn Văn An thể hiện rõ nội dung: “Thế Anh cho tôi đi nước ngoài nhằm mục đích trốn tránh việc tôi nhận tiền từ Phan Thanh Hữu giúp cho Thế Anh khỏi bị phát giác”.
Đáng chú ý, trong các bản cung của An còn cho thấy rõ hành trình di chuyển sang Lào, khi đặt chân đến nước bạn, An làm nhiệm vụ nấu cơm tại lán trại của bạn Nguyễn Thế Anh đến khi bị Công an Lào bắt giữ bàn giao cho Công an Việt Nam. Do đó, Viện kiểm sát kết luận khi Phan Thanh Hữu bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ, để tránh bị phát giác việc nhận hối lộ, ông Nguyễn Thế Anh đã tổ chức cho An sang Lào. Hành vi này đủ cơ sở cấu thành tội “Tổ chức người đi nước ngoài trái phép”.