Cựu Chủ tịch Trần Văn Minh nói về dự án gây thiệt hại hơn 11.200 tỷ

TPO - Cáo trạng xác định các bị cáo giao khu 29ha tại dự án Đa Phước cho Phan Văn Anh Vũ vào năm 2011, sau khi đã cải tạo nhưng áp giá năm 2006 nên gây thiệt hại nghiêm trọng. Cựu Chủ tịch Trần Văn Minh bác bỏ, nói khu đất này năm 2011 vẫn là mặt nước.
Bị cáo Trần Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Nói anh rể mới là người mua đất

Ngày 5/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP Đà Nẵng.

Theo cáo trạng, cáo bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến thay nhau làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2014) đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng.

Hành vi thâu tóm đất, tài sản công của Vũ “nhôm” không chỉ khiến quan chức “gặp nạn”, chính người thân của bị cáo này cũng vướng vào lao lý. Điển hình, bị cáo Nguyễn Quang Thành là em vợ của Phan Văn Anh Vũ nên đã giúp anh mình đứng tên cổ phần tại một số Cty. Ông Thành sau đó giúp Vũ “nhôm” ký các tờ trình, hợp đồng mua bán 3 nhà đất công sản và 2 dự án bất động sản, góp phần gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Thành cho biết mình là GĐ Cty TNHH Minh Hưng Phát và tham gia góp vốn vào 2 doanh nghiệp khác cùng Phan Văn Anh Vũ. Tuy vậy, bị cáo khẳng định không hề nhận sự chỉ đạo từ Vũ khi tham gia mua bán nhà đất, chỉ tham gia bàn bạc với tư cách cổ đông hoặc người trong gia đình.

Trong vụ án, cơ quan truy tố còn xác định vợ chồng ông Ngô Áng Hùng - GĐ Cty TNHH I.V.C và Phan Thị Anh Đài (chị gái Phan Văn Anh Vũ) đã cùng Vũ “nhôm” chuyển nhượng 4 nhà đất công sản. Tuy nhiên, do ông Hùng và bà Đài đã xuất cảnh ra nước ngoài trước thời điểm khởi tố vụ án hình sự nên cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý sau.

Trả lời câu hỏi của các luật sư về việc thâu tóm nhà đất số 100 Bạch Đằng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khẳng định bất động sản này hoàn toàn không liên quan đến mình. Vũ nói: “Cái này do Cty Du lịch bán hay như nào đó cho ông Ngô Áng Hùng”. Về 1 tỷ đồng liên quan số 100 Bạch Đằng, bị cáo Vũ cũng khẳng định do ông Hùng chuyển trực tiếp vào Cty du lịch, không liên quan tới mình.

Tại tòa, bị cáo Lê Anh Tuấn – nguyên Chủ tịch Cty CP Cung ứng tàu biển Đà Nẵng khai báo về việc giúp Phan Văn Anh Vũ mua nhà đất số 20 Bạch Đằng. Theo ông Tuấn, tình hình lúc đó của Cty tàu biển Đà Nẵng rất khó khăn, công nhân bị nợ lương...

“Bị cáo lên gặp Bí thư Nguyễn Bá Thanh xin giúp thì được nói nhanh chóng bàn giao Khách sạn Sông Hàn đi, có thể chúng tôi sẽ không tính hệ số sinh lời cho anh” – ông Tuấn nói. Bị cáo này thừa nhận hành vi giúp sức Phan Văn Anh Vũ mua nhà đất số 20 Bạch Đằng nhưng cho rằng đây là đất đai, không phải tài sản nhà nước nên xin được đề nghị đổi tội danh từ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” sang “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” (khung hình phạt nhẹ hơn - PV).

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã đề nghị không được gọi mình là Vũ "nhôm".

Là đất hay mặt nước?

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Văn Minh – nguyên Chủ tịch Đà Nẵng tiếp tục khẳng định đã làm đúng các quy định khi chuyển nhượng nhà đất công sản cho các trường hợp, không riêng gì Phan Văn Anh Vũ. Ông Minh nói: “Trong cáo trạng đề cập một số văn bản trái pháp luật nhưng năm 2011, Thanh tra Chính phủ sau khi soát xét đã nói Đà Nẵng áp dụng một số văn bản có sáng tạo nhưng không xin phép”.

Về khu đất 29ha tại Dự án Đa Phước được giao cho Phan Văn Anh Vũ, ông Minh cho rằng khu đất này được giao năm 2011 theo thỏa thuận đã ký giữa Đà Nẵng và Cty Daewon (Hàn Quốc), việc này đúng luật đầu tư. Cũng theo ông Minh, lúc đó 29ha này vẫn là mặt nước, không phải đã cải tạo như cáo trạng quy kết.

Tại tòa, bị cáo Minh phân trần: “Đất ở đây là đất mặt nước, trong quyết định nói lô đất này lô đất kia là trên giấy tờ, quy hoạch thôi còn không có đất. Đất đó là ông Vũ đổ làm kè, cơ sở hạ tầng còn nhà nước chỉ có mặt nước thôi. Đó là đất ô nhiễm, mặt nước chúng tôi vẫn thu tiền mà quy chúng tôi gây thất thoát”. 

Trước đó, cáo trạng truy tố thể hiện, năm 2006, Đà Nẵng ký thỏa thuận cho phép Daewon đầu tư dự án Đa Phước nhưng riêng khu 29ha làm biệt thự phải liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng sẽ ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp này với giá 300 nghìn đồng/m2.

Tháng 12/2010, Daewon Cantavil có văn bản chuyển quyền sử dụng khu đất 29ha nói trên cho Cty Xây dựng 79 để cùng Deawon thành lập liên doanh. Tháng 7/2011, Văn Hữu Chiến (lúc đó là Phó Chủ tịch Đà Nẵng) đã thu hồi đất để giao cho Phan Văn Anh Vũ với giá 87 tỷ đồng (mức giá năm 2006). Trên thực tế, năm 2011, khu 29 ha này có giá hơn 4.788 tỷ đồng.

Do được chỉ định từ trước, Phan Văn Anh Vũ đã chỉ đạo Phan Minh Cương – GĐ Cty Xây dựng 79 ký hợp đồng liên doanh với Daewon. Năm 2008, Deawon gửi văn bản cho ông Trần Văn Minh, nói đã cải tạo xong khu đất, xin thành phố giao 29ha này cho một doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2011, Đà Nẵng đã giao đất cho doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ nhưng với khung giá năm 2006. Trong khi đó, luật quy định giá đất được ban hành vào ngày 1/1 hằng năm.

Sau đó, Daewon đã bán 51% cổ phần của mình trong liên doanh cho Cty xây dựng 79 nên Vũ “nhôm” hoàn toàn có được 29ha đất nói trên. Việc xây dựng tại đây được thực hiện bởi Cty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước do Vũ làm Chủ tịch.

Tháng 11/2015, Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Cty Phát triển nhà Đa Phước cho ông Võ Ngọc Châu (SN 1964, ở TP.HCM) với giá hơn 428 tỷ đồng. Hiện tại, Cty của ông Châu đã xây dựng tại khu 29 ha này và bán được 189 lô đất biệt thự cho 189 khách hàng với tổng giá trị giao dịch hơn 1.280 tỷ đồng.

Kết quả định giá thể hiện, giá thị trường của Dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 4/2018) là hơn 11.322 tỷ đồng. Như vậy, hành vi của các bị cáo đã khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại hơn 11.235 tỷ đồng (11.322 tỷ trừ đi 87 tỷ đồng Vũ “nhôm” bỏ tiền mua).