Cường kích Mỹ - ác mộng với đoàn xe chở dầu của IS

Hai loại cường kích mạnh bậc nhất của Mỹ cùng phối hợp tác chiến, không cho các đoàn xe chở dầu của IS có cơ hội chạy thoát.
Một cường kích AC-130 của Mỹ khai hỏa diệt mục tiêu trên mặt đất. Ảnh: Military.com

Sau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào thủ đô Paris của Pháp, Mỹ và các quốc gia phương Tây dường như bừng tỉnh trước mối đe dọa khủng bố và có những biện pháp quyết liệt hơn để tiêu diệt IS, trong đó có giải pháp đánh vào kinh tế và nguồn thu nhập của phiến quân.

Ngày 23/11, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo không quân nước này đang tăng cường chiến dịch tấn công vào nguồn thu nhập quan trọng nhất của IS khi phá hủy 283 xe chở dầu đang trên đường từ các giếng dầu do IS kiểm soát tới các điểm tập kết buôn lậu gần khu vực Deir el-Zour và al-Hasaka, theo Reuters.

IS đang kiểm soát gần như toàn bộ các giếng dầu ở Syria, tập trung ở miền đông nước này, với sản lượng khai thác khoảng 30.000 thùng một ngày, ngoài ra còn có một giếng dầu ở Iraq. Số dầu này sẽ được IS chuyển lậu tới Thổ Nhĩ Kỳ để bán với giá rẻ mạt nhằm thu về gần 50 triệu USD mỗi tháng.

Cuộc không kích hôm thứ bảy tuần trước được thực hiện bởi 4 chiếc cường kích Thần sấm A-10 và hai chiếc cường kích Con ma AC-130. Đây cũng chính là hai loại máy bay đã thực hiện các cuộc không kích hôm 15/11, phá hủy hoàn toàn 116 xe bồn chở dầu của IS. Các máy bay cường kích này đang trở thành chủ lực của Mỹ trong chiến dịch Sóng Thủy triều II nhằm đánh phá hệ thống sản xuất, tinh lọc và phân phối dầu mỏ của phiến quân, cắt đứt khoảng một nửa tổng thu nhập của IS.

Sát thủ diệt xe chở dầu

Thần sấm A-10 là chiếc máy bay cường kích yểm trợ cận chiến mặt đất, huyền thoại của quân đội Mỹ. Được sử dụng liên tục trong không quân Mỹ suốt hơn 40 năm qua, A-10 đã tham gia nhiều chiến dịch quân sự và thể hiện được sự ưu việt trong tác chiến tầm gần chống các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là các loại xe tăng, xe bọc thép, xe tải của đối phương.

Được trang bị các động cơ mạnh mẽ và hai cánh rất rộng, A-10 có thể bay là là sát mặt đất ở vận tốc chậm, sử dụng khẩu pháo đa nòng GAU-8 Avenger 30 mm gắn trước mũi để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất, với tốc độ bắn 3.900 phát/phút. Khẩu pháo này rất uy lực trước các loại phương tiện quân sự và vận tải của đối phương, trong đó các đoàn xe tải chở dầu là những mục tiêu dễ dàng nhất.

Thần sấm A-10 được trang bị các loại vũ khí tấn công mặt đất rất hiệu quả. Ảnh: Military.com

Trong trường hợp cần tiêu diệt các mục tiêu kiên cố hơn, A-10 được trang bị tên lửa không đối đất Maverick AGM hay tên lửa tầm nhiệt Sidewinder có độ chính xác cao, có thể bắn trúng các mục tiêu đang di chuyển trên mặt đất.

Còn Con ma AC-130 là loại máy bay cường kích hạng nặng chỉ có trong quân đội Mỹ, được trang bị một loạt các loại vũ khí tấn công mặt đất đầy uy lực, trong đó có súng máy 5 nòng Gatling GAU-12/U 25 mm với tốc độ bắn 1.800 phát/phút, pháo L-60 Bofors 40 mm, lựu pháo M-102 cỡ nòng 105 mm.

Với khả năng bay chậm và lượn vòng quanh mục tiêu ở quỹ đạo ổn định, AC-130 thực sự là sát thủ đối với các loại phương tiện vận tải của IS, với tầm bắn hiệu quả của khẩu súng máy Gatling lên tới 3,7 km. Từ khoảng cách này, những viên đạn có sơ tốc đầu nòng cực lớn của khẩu Gatling có thể bắn nổ các xe chở dầu đang đậu hoặc đang di chuyển của IS với độ chính xác rất cao.

Các xạ thủ trên cường kích AC- 130 có thể tấn công hai mục tiêu cùng một lúc. Nếu phải tấn công trong điều kiện đêm tối, các xạ thủ có thể sử dụng hệ thống radar kỹ thuật số điều khiển hỏa lực Hughes AN/APQ-180, đài quan sát hồng ngoại bán cầu phía trước với góc mở 180 độ hoặc camera TV GEC-Marconi ALLTV để phát hiện và chỉ thị mục tiêu.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích quân sự, khi hai loại cường kích này được Mỹ sử dụng phối hợp, các đoàn xe chở dầu của IS không có cơ hội chạy thoát và thường sẽ bị hủy diệt với số lượng lớn, gây thiệt hại nặng nề về tài chính cho phiến quân.

Cảnh báo trước 45 phút

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Richard Sisk của Military.com, quân đội Mỹ đang thực hiện chiến dịch Sóng Thủy triều II một cách rất "lịch sự và nhân đạo", khi các cường kích của Mỹ đều phát tín hiệu cảnh báo trước 45 phút đối với các tài xế xe tải chở dầu của IS.

Theo đó, trước khi Thần sấm và Con ma cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ oanh kích, các chiến đấu cơ của Mỹ sẽ hạ độ cao, bay sát các đoàn xe chở dầu và thả truyền đơn. Những truyền đơn này kêu gọi các tài xế xe tải người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bỏ xe chạy đi ẩn nấp để bảo toàn mạng sống trước khi đoàn xe bị oanh tạc.

"Hãy ra khỏi xe và chạy thật xa. Cảnh báo. Cuộc không kích sắp diễn ra, xe chở dầu sẽ bị phá hủy. Ra khỏi xe ngay lập tức. Đừng liều mạng", truyền đơn của Mỹ viết.

Truyền đơn do máy bay Mỹ thả xuống trước mỗi đợt không kích vào đoàn xe chở dầu. Ảnh: Military.com

"Chúng tôi kết hợp giữa thả truyền đơn và cho máy bay bay thật thấp qua đầu mục tiêu để phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ với các tài xế", đại tá Steve Warren, người phát ngôn lực lượng liên quân diệt IS do Mỹ đứng đầu, tuyên bố.

Hành động thả truyền đơn và bay thấp để cảnh báo trước này phù hợp với chính sách tránh gây thương vong cho dân thường của Mỹ. Trước đây, Mỹ luôn né tránh không kích các đoàn xe chở dầu của IS, vì coi các tài xế xe tải là dân thường có thể bị thương vong trong các cuộc oanh tạc. Tuy nhiên tình hình đã thay đổi kể từ sau vụ thảm sát đẫm máu ở thủ đô Paris.

Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích việc Nga sử dụng các loại bom không dẫn đường để không kích các cơ sở dầu mỏ và mục tiêu IS, vì cho rằng loại vũ khí không chính xác này có thể gây thiệt hại tới thường dân.

Đại tá Warren cho rằng việc các máy bay Nga rải bom không dẫn đường xuống các mục tiêu IS ở sào huyệt Raqqa là "chiến thuật cổ xưa" không còn hợp thời. "Việc điều khoảng 10 máy bay để ném bom cùng một lúc là cách làm rất cũ. Người ta chỉ dùng cách này khi không sở hữu công nghệ, kỹ năng và khả năng để thực hiện các cuộc không kích chính xác như những gì liên quân chúng tôi đang làm", ông Warren nói.

Cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ J.E. Dyer thì cho rằng việc Mỹ tỏ ra nhân đạo và cảnh báo trước với các tài xế xe tải chở dầu cho IS là "buồn cười", bởi những người này không xứng đáng được gọi là dân thường.

"Những tài xế này không hoàn toàn là những dân thường 'vô tội, không liên quan' giống như trẻ em hay những người già yếu trong vùng chiến sự. Họ là những kẻ đang tham gia vào cuộc chiến do IS phát động, giống như bất cứ thành viên không mặc quân phục nào khác trong hàng ngũ IS", bà Dyer nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress