Tết vừa rồi, mở ti vi kênh nào cũng thấy hài. Nào Hội ngộ danh hài, Gala Cười, Nụ cười đất Việt... Mùng 8 tết còn bị nhắn tin mời xem “Táo cười đón xuân” của Đông Đô show ở rạp. Các công ty chưa từng làm cái gì na ná nghệ thuật giờ đua nhau làm băng đĩa, chương trình hài để bán quảng cáo, tóm bắt được nhu cầu thèm cười của khán giả vào ngày lễ tết rảnh rang.
Gala Cười mở ra với màn đối đáp của hai anh chuối tiêu Tự Long - Thành Trung, không đến nỗi. Bắt đầu tiểu phẩm đầu tiên, đã căng như dây đàn. Vân Dung vai bà nhà quê nghèo rớt đẻ sòn sòn cho đủ đội hình Tiến-Tới-Gia-Đình-Ấm-No-Hạnh-Phúc-Giàu-Sang-Phú-Quý, nghe lần đầu đúng là buồn cười. Chừng đắc ý quá, các nghệ sĩ cứ nhại đi nhại lại “Tiến Tới Gia Đình…”.
Vân Dung hơn một lần chỉ mặt chồng (Quang Tèo đóng): “mày là thằng khốn nạn”, chưởng lực của cô suốt buổi hóa ra chỉ toàn lóe xóe kiểu “ông bảo tôi giang ra hay khép lại, sao lúc khác ông cứ bắt tôi giang ra”.
Quang Tèo chưa bao giờ gây cười đã đành, ngay Quang Thắng vốn buồn cười là thế mà đâm bí rì trong cái tiểu phẩm hài rất nghiêm trọng này. Tiết mục của các nghệ sĩ phía Nam cũng chẳng duyên hơn tẹo nào, nên chương trình phải tên là Gala Cấm Cười mới đúng.
Vì sao hài ngày càng nhạt, nhảm, vừa xem vừa cù nách cũng cười không nổi? Muôn năm cũ vẫn là cạn kiệt kịch bản, còn các nghệ sĩ tuổi chưa hề cao như Xuân Bắc, Tự Long… đều thú nhận sức sáng tạo của họ đã giảm theo thời gian, với gánh nặng tuổi tác.
Một cảnh nhà quê mở ra. Có người đàn ông nằm kéo bễ phì phò. Kim Oanh tất tả đi vào, ngó nghiêng, và y như rằng hành động đầu tiên của chị là bổ vào ông kia - hẳn là chồng “Ối giời ơi! Giờ này là giờ nào rồi mà còn ngủ ễnh ra…”. Hài - phải bất ngờ, còn hài của ta, nhân vật chưa mở miệng khán giả đã biết sẽ nói gì, làm gì. Biết cười hay mếu đây.