Cuộc sống trong 'khu rừng cỏ lau' giữa Sài Gòn

Giữa rừng dừa nước, cỏ lau rậm rạp là xóm nhỏ chừng chục nóc nhà lợp tôn xập xệ chờ giải toả. Từ đây có thể nhìn thấy những căn hộ sang trọng của khu Sài Gòn pearl, The Manor.

Từ cầu Thủ Thiêm nhìn về phía quận 1, dưới chân cầu là xóm nhỏ của những người dân đang cố bám trụ trước khi bị di dời để trao trả mặt bằng cho thành phố phát triển theo quy hoạch mới. Do khu vực bỏ hoang lâu ngày nên cây cối phát triển um tùm, lâu dần biến nơi đây thành một “khu rừng xanh” giữa lòng thành phố.

Với một TP.HCM hiện đại, náo nhiệt, nhiều nhà cao tầng thì ít ai có thể hình dung được vẫn còn một nơi hoang vu như thế này.

Đường mòn dẫn vào các ngôi nhà ở đây giống như lối nhỏ băng qua những vùng đất hoang phế nhiều năm. Lý do khiến những gia đình chưa chịu di dời vì chưa hài lòng với mức đền bù của thành phố.

Từ những nền nhà bỏ hoang gia đình anh Sơn đào sới lại để trồng rau củ. Anh Sơn chia sẻ, phải tự cung tự cấp để giảm chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Các công trình phụ như tắm giặt vệ sinh được dựng tạm hướng ra sông, để thủy triều tự cuốn đi.

Để mưu sinh, các hộ dân làm đủ nghề như đóng thuyền, vớt thuê trên sông. Gia đình chú Hai nhận vớt tất cả các loại xà bần, ve chai, cào vật liệu phế thải…

Cuộc sống hàng ngày của họ diễn ra trong sình lầy hôi thối. 

Khi thành phố lên đèn, các hộ bày quán bán giải khát, nhậu đêm cho khách vãng lai để kiếm thêm thu nhập.

Bà Mỹ Nhơn buồn rầu chia sẻ: "Cuộc sống thật sự quá khó khăn, khi trời mưa thì nước dột khắp nhà, nước sông dâng lên ngập hết. Khi mưa gió thì cả đêm không thể yên giấc. Tương lai của đứa nhỏ không biết sau này sẽ ra sao".

Ông Dậm cũng đầy chán nản khi nói về hoàn cảnh hiện tại. Ông cho biết, bây giờ đợi vào quyết định của chính quyền chứ cũng không biết làm gì khá

Những công trình xây dựng đã bắt đầu được khởi công. Một thời gian không xa nữa các gia đình này bắt buộc phải di dời.

Thế nhưng vẫn chưa ai có thể trả lời chính xác được cuộc sống và tương lai của xóm hoang dưới chân cầu Thủ Thiêm này sẽ đi đâu về đâu.

Ngày qua ngày, người dân ở đây chỉ biết chờ đợi, mong ngóng một điều gì đấy chưa rõ ràng. 

Theo Theo Zing