Cuộc sống lênh đênh, kham khổ của dân xóm chài ở Thủ đô

TPO - Hà Nội vẫn có nhiều làng nổi, xóm nhà phao với không ít cư dân ăn nhờ, ở đậu trên sông còn mưu sinh, kiếm sống chủ yếu trên bờ. Còn ở Văn Đức thì khác, xưa nay vẫn là một làng chài thuần túy.
Làng chài Văn Đức nằm nép mình bên tả ngạn sông Hồng. Làng gồm hàng chục ngôi nhà phao quây tôn đã bạc màu, xen kẽ là những con thuyền. Nhà và thuyền nối đuôi nhau, kéo dài khoảng 500m dọc bờ sông.
Hiện nay, làng có 24 hộ với gần 100 nhân khẩu trú tại thôn Trung Quan 3, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội). Nhà của họ cũng chính là thuyền, đò hoặc đổ bê tông từ thuyền.

Hiện nay, mọi sinh hoạt tối thiểu hàng ngày như tắm, giặt… của họ vẫn chủ yếu dựa vào nước sông.

Do lo ngại dòng nước phía dưới ô nhiễm nên mấy năm gần đây, bà con cẩn thận đánh phèn chua vào nước để rửa bát, lau mặt; còn ăn uống phải mua nước bình từ trên bờ.
Trong bối cảnh dịch bệnh, họ phải gần như phải ngưng lại công việc chính của mình là chài lưới. Một số hộ nuôi thêm vài con gà cạnh bờ sông để cải thiện đời sống vốn đã khó khăn trăm bề.
Chị Nguyễn Thị Minh (52 tuổi) cho biết, hai mẹ con chị sống với nhau trên chiếc thuyền chưa đầy 10m2 này. Dịch đến, hai mẹ con chỉ loanh quanh khoang thuyền với nuôi mấy con gà đẻ trứng trên bờ. Cô con gái trước đây đi làm thuê cho công ty đồ gốm sứ bên xã Bát Tràng, hiện đã nghỉ việc nhiều tháng nay.
Cách đó không xa là nơi ở của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng. “Ngôi nhà” của 4 vợ chồng con cái anh Hùng có phần chắc chắn hơn thuyền của chị Minh khi được gia cố bằng bê tông. Còn nơi ngủ nghỉ là những tấm xốp nhỏ được ghép vào sao cho đủ thoải mái bốn người nằm và miễn cho vẫn đảm bảo có khoảng không gian đi lại trong diện tích hơn 10m2.

Cũng cùng tình cảnh như những hộ trong xóm, 2 tháng nay vợ chồng anh Hùng cũng chỉ túc tắc có hôm chạy thuyền đi thả lưới – khi có nhà buôn trong xã đặt trước. Có khi những mẻ cá “tắc không có đầu ra”, anh Hùng lại thả vào nuôi ở chiếc bè bên mạn thuyền. Gia đình giờ sống chủ yếu bằng khoản tiết kiệm và nhu yếu phẩm của những mạnh thường quân trao tặng. Trong ảnh, vợ anh Hùng đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình.

Theo anh Hùng, điều đáng quan tâm nhất là cuộc sống tương lai của các con. Hơn hai mươi năm kết duyên, vợ chồng anh có 3 mặt con. Con gái lớn anh chị hiện đã lập gia đình trong làng. Hai con trai: Con trai lớn nghỉ học đi làm gốm bên xã Bát Tràng; con trai nhỏ (trong ảnh) đúp hai năm lớp 6 cũng mới nghỉ ở nhà chợ búa giúp mẹ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hiền – Phó xóm bến thuyền Văn Đức (trong ảnh) cho biết, hiện nay nhiều em được gia đình cho đi hết cấp 2, cũng có một số em học lên cấp 3; còn lại chủ yếu theo bố mẹ đi đánh lưới hoặc sang bên xã Bát Tràng làm thuê cho các công ty gốm sứ. Nhưng nhìn chung, dân trí của xóm vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của những hộ dân sinh sống trên bờ.
"Xóm chài mới ghi nhận duy nhất một trường hợp đỗ đến học vị Tiến sĩ và có cuộc sống ổn định trên bờ là ông Chử Văn Thanh. Nhưng việc đó đã xảy ra từ tận những năm 80 của thế kỷ trước. Còn lại, những người lớn tuổi gần như là không biết hoặc quên mất mặt chữ" - ông Hiền nói.
Sau nhiều năm làm ăn vất vả, tiết kiệm được chút tiền, gia đình ông Nguyễn Văn Hường (bên trái) đã mua được mảnh đất ở bên xã bên, nhưng ông vẫn giữ lại con thuyền tại làng chài Văn Đức để thi thoảng qua lại. Ông kể, suốt mấy năm qua, ông đã lặn lội đi thăm các làng chài khác ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận thì thấy có nơi đã không còn cảnh ăn ngủ dưới thuyền nữa, có nơi vẫn còn nhưng địa phương cũng đã có chủ trương đưa bà con lên bờ.
Năm nay hơn 70 tuổi, bà Hồ Thị Vinh sống một mình trong khoảng không gian chưa đầy 10m2. Các con, cháu bà thì ở những nhà thuyền khác neo đậu bên cạnh. Trước đây, bà vẫn đi làm thêm cắt cỏ thuê công 200 nghìn đồng/ngày cho những gia đình ở trên bờ. Nay dịch bệnh, không ai thuê, bà chỉ loanh quanh trên thuyền trông nom các cháu.

Bà Nguyễn Thị Son - một người dân sống lâu năm khác ở xóm chài Văn Đức rơi nước mắt khi kể về thời quá khứ khổ cực của xóm chài.

Bà Hồ Thị Vinh kể về cuộc sống khó khăn của dân xóm vạn chài Văn Đức