Người này kể: “anh Đạt rất hiền, không hiểu các đạo diễn nhìn thế nào, toàn giao vai “cường hào ác bá”. Lúc mới vào nhà hát em cũng nghĩ anh này chắc ghê lắm, sau sống lâu mới biết. Chả có “thổ hào” nào ngoài đi diễn lại cặm cụi may comple lấy tiền sinh sống đâu”.
Nhà nghệ sĩ Tiến Đạt ngay trên phố Hàng Dầu. Thời gian đi làm ở Nhà hát Kịch Hà Nội, 100% ông dùng “xe căng hải”. Giống như nhiều nghệ sĩ khác, cuộc sống của gia đình Tiến Đạt khá giả nhờ “phi thương bất phú”. Lúc khó khăn, vợ ông mở cửa hàng bán giày dép ngay trước cửa nhà. Ngoài ra, Tiến Đạt còn là chủ một hiệu may comple nổi tiếng trên khu vực phố cổ.
Diễn viên Trung Hiếu nói về đồng nghiệp đàn anh của mình: Anh em nghệ sỹ trong Nhà hát Kịch Hà Nội thường hay nói đùa rằng: Tiến Đạt giống như một chiếc đồng hồ, luôn chính xác, chỉn chu và đều đặn. Diễn viên Công Lý trong một lần trả lời phỏng vấn cũng đùa: “Đối thủ “du côn” của tôi trong Nhà hát chính là Tiến Đạt. Người cường hào, kẻ ác bá, nhưng cái sự “ác” của anh Đạt nó thường ẩn sau vẻ ngoài đạo mạo, tôi thì “ác” bong ra ngoài”.
Hầu hết các vai diễn kể cả sân khấu và truyền hình của NSND Tiến Đạt đều là những vai giàu có, có chức có quyền như cán bộ Tỉnh, doanh nhân thành đạt, nhà tài phiệt… song lại ẩn chứa nhiều mưu mô, thủ đoạn và tàn nhẫn.
Sở hữu chiều cao khiêm tốn chỉ khoảng 1m60 cùng gương mặt có nét "gian gian", NSND Tiến Đạt cho hay, ngay từ khi bén duyên sân khấu ông đã được mặc định vào vai phản diện, bởi vai chính diện chả ai lại “lùn xấu” như thế.
Ông kể: “Ở Nhà hát Kịch Hà Nội, từng có một thời kỳ, mọi người thi nhau độn mông, độn ngực cốt để có ngoại hình đẹp đẽ và cao ráo hơn. Nhưng tôi không đi theo xu hướng này dẫu biết rằng, thấp bé, nhẹ cân lên sân khấu rất thiệt thòi. Những vai diễn hay, có nhiều đất diễn thường được đạo diễn chọn mặt gửi vàng cho những diễn viên có diện mạo đẹp. Sau tôi nhận ra, mình cứ khai thác nhiều chi tiết để làm nên những vai diễn dù nhỏ nhưng tạo được tính cách, dấu ấn thì cũng không thua kém gì các diễn viên chính. Và tôi đã làm được điều đó. Như khi được giao Tony Nguyễn trong “Chạy án”, tôi đã bảo đạo diễn Hồng Sơn nên chọn một người cao ráo hơn tôi mới phù hợp với vai Việt kiều nhưng anh Hồng Sơn lại không nghĩ thế vì anh muốn tôi khai thác vai diễn ở một góc độ khác”.
Tiến Đạt là con trai thứ của nghệ nhân may Tiến Thành, người may comple đẹp nức tiếng ở Hà thành một thời. Hiệu may Tiến Thành phục vụ cho nhiều quan chức cấp cao, các chính khách Việt Nam và quốc tế. Trong số những anh em trong gia đình, ông lại là đứa con bộc lộ năng khiếu nghề may. Từ nhỏ Tiến Đạt là một đứa trẻ nghịch ngợm nhưng lại mê sân khấu. Mười lăm tuổi, ông thi vào trường trung cấp sân khấu điện ảnh Việt Nam bấy giờ và trúng tuyển trong sự ngạc nhiên của nhiều người vì từ trước tới nay gia đình ông chưa ai theo nghệ thuật cả.
Sau ba năm học ở trường, tốt nghiệp Tiến Đạt được phân công về đoàn nghệ thuật Quảng Ninh. So với các anh em trong gia đình gần như yên phận với cuộc sống của "cậu ấm cô chiêu" thì Tiến Đạt đã phải thoát ly, đi khắp đó đây, trải qua những khổ sở đói rét, va chạm với cuộc sống và trưởng thành với nghề diễn. Vợ Tiến Đạt cũng là diễn viên cùng khóa, cô Hồng Loan. Để tạo điều kiện cho chồng, cô Loan tình nguyện lui về hậu phương chăm lo gia đình, lúc khó khăn từng mở cửa hàng bán giầy để trang trải cuộc sống.
Những năm 90 của thế kỷ trước, nghệ sĩ đều nghèo, đời sống khó khăn. Bố ông khuyên con trai theo nghề may để “kiếm tiền mà sống”. Thế là ông học may, thành tài. Nhiều năm qua, cái nghề may comple gia truyền được nghệ sĩ Tiến Đạt duy trì, giúp ông ổn định một phần kinh tế gia đình và có thể yên tâm theo đuổi nghiệp diễn.
Tiến Đạt “phát tướng” từ sau khi cai thuốc lá, sau đó, những vai phản diện của ông được nâng cấp, từ phản diện nghèo thành phản diện giàu.
Vợ chồng Tiến Đạt chỉ có một cậu con trai sinh năm 1980, ông cũng là người hiếm hoi trong giới nghệ sĩ ít có tin đồn hào hoa. Lý giải về sự “nghiêm túc” này ông cho biết: “Tôi với bà nhà là bạn thanh mai trúc mã nên cuộc sống vợ chồng tâm đầu ý hợp".
Nói đến 8/3, Tiến Đạt chia sẻ: Không chỉ lễ tết, mà bình thường nếu rảnh tôi cũng thích vào bếp nấu nướng cho vợ con. Là trai phố cổ, Tiến Đạt khá sành ăn và có tài bếp núc. Vào bếp, ngoài làm vợ vui ông cũng muốn chiều chuộng khẩu vị của mình vì “tự nấu vừa đảm bảo sức khỏe, lại vừa ý mình".