'Cuộc đời của Pi' chạy đua Oscar

TP - Hai tháng sau khi ra mắt tại LHP New York, giới phê bình được dịp thỏa mãn với Cuộc đời của Pi tại Bắc Mỹ và một số nước, được cho là tác phẩm chuyển thể thành công từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Yann Martel.
“Cuộc đời của Pi”- ứng viên Oscar?

> Skyfall gấp rút chạy đua Oscar 2013
> Lý An công chiếu Cuộc đời của Pi

Đạo diễn Lý An ngoài guồng quay đến các thành phố lớn quảng bá cho phim, tích cực tham gia các buổi công chiếu cho giới điện ảnh ở các Hiệp hội biên kịch, sản xuất, diễn viên và đạo diễn ở Mỹ và cả Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ cho cuộc chạy đua Oscar sắp tới.

Các buổi chiếu đều nhận được những tràng pháo tay ngợi khen của những khán giả đặc biệt này.

Ngoài thành công về doanh thu, Cuộc đời của Pi dường như lôi kéo được hầu hết giới phê bình.

“Mọi thứ đều đẹp. Những con thú nguy hiểm nhìn đến đẹp. Cơn bão biển trông cũng đẹp. Những con sóng biển dữ dằn, những ngôi sao lấp lánh, những động vật ăn thịt trên đảo trông đều lộng lẫy, lung linh nhờ kỹ xảo 3D không thể chê vào đâu được”, nhà phê bình Lisa Schwartzman viết trên Entertainment Weekly.

Lou Lumenick viết trên New York Post: “Phim đẹp nhất tôi xem trong năm nay, có thể là trong chục năm gần lại đây”.

Nhà phê bình phim nổi tiếng Roger Elbert-đoạt Pulizer: “Tôi cũng ngạc nhiên rằng tôi yêu công nghệ 3D trong Cuộc đời của Pi đến mức nào. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy phương pháp làm phim này đẹp như thế trong phim, ngay cả với Avatar. Lý chưa bao giờ sử dụng 3D để gây kinh ngạc hoặc gây náo động, nhưng khiến cho các cảnh phim, sự kiện và bối cảnh xảy ra trong phim có chiều sâu hơn”.

Tất nhiên không thể bắt tất cả say mê, nhưng ý kiến này chỉ là thiểu số. “Bộ phim mời bạn tin vào những điều phi thường, nhưng nó cũng khiến bạn nghi ngờ ở những gì mắt bạn nhìn thấy hoặc nghi hoặc rằng cuối cùng bạn nhìn được gì sau tất cả bộ phim”, A.O. Scott viết trên New York Times.

Giới điện ảnh biết rằng, chuyển thể Cuộc đời của Pi không dễ dàng gì. “Tôi đọc cuốn sách 10 năm trước. Tôi nghĩ không ai đủ dũng cảm bỏ 15 triệu USD mua bản quyền chuyển thể.

Quá rủi ro, quá nhiều chất triết học. Mặc dù nó là cuộc phiêu lưu thú vị giữa đại dương, trên hết nó vẫn là cuốn sách về suy ngẫm. Vì vậy tôi không nghĩ chỉ là nghệ thuật hay kỹ thuật làm phim nữa”, đạo diễn Núi Brokeback nói.

Không riêng Lý An, hãng sản xuất Fox cũng tưởng không thể chuyển thể Cuộc đời của Pi, bởi họ thử qua rất nhiều đạo diễn kể từ khi mua được bản quyền năm 2002, đều thất bại. 5 năm trước Lý An nhận lời, nhưng có thời gian đạo diễn và hãng phim không cùng ý tưởng.

Sau này, khi Lý An quả quyết theo góc nhìn của mình, và nhất định bảo phim phải được làm với kỹ thuật 3D thì Cuộc đời của Pi mới có động lực tiến triển.

Cùng với Bắc Mỹ, Cuộc đời của Pi cuối tuần qua ra mắt ở Đài Loan, Hong Kong, Ấn Độ, Trung Quốc đại lục. Riêng ở Ấn Độ phim có doanh thu khởi điểm ngang ngửa với Avatar- thu 3,5 triệu USD trong dịp cuối tuần. Điều này một phần nhờ diễn viên trẻ Suraj Sharma vai Pi, ngoài ra câu chuyện cũng gây tiếng vang ở Ấn Độ từ lâu qua tiểu thuyết của Yann Martel.

Ở Mỹ, phim đứng thứ 5 với doanh thu 48,3 triệu USD vì phải đối đầu với các đối thủ cực mạnh như Hừng đông 2, Skyfall, Lincoln và Rise of the Guardians (tựa Việt: Sự trỗi dậy của các vệ thần). Chưa kể lượng phòng chiếu Cuộc đời của Pi là 2.900, trong khi các phim bom tấn kia đều từ 3.500 đến 4.000.

Toan Toan
Theo Premiere, Deadline

Theo Báo giấy