Cho tới tận bây giờ, cuộc đời của điệp viên Stig Bergling vẫn còn chứa đựng nhiều chi tiết bí ẩn chưa được làm sáng tỏ. Sự thăng tiến của điệp viên này trên nấc thang công danh khá khó hiểu.
Sau thời gian làm trong ngành cảnh sát và làm sĩ quan cho Liên Hiệp Quốc (LHQ), mặc dù có những phản đối từ phía các đồng nghiệp, ông vẫn được nhận vào Cơ quan Cảnh sát an ninh Thụy Điển (SAPO) với cương vị sĩ quan liên lạc với Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thụy Điển.
Cả ở SAPO và Bộ Tổng tham mưu, ông đều có quyền tiếp cận những tài liệu cực kỳ quan trọng, mà việc tiết lộ chúng sẽ gây thiệt hại to lớn cho quyền lợi quốc gia của Thụy Điển.
Vào một ngày tháng 10/1987, có một người đàn ông lạ mặt tới gõ cửa tòa nhà của Lãnh sự quán Liên Xô tại quần đảo Ahvenan (Phần Lan) và đề nghị được gặp đại diện của Cơ quan Tình báo Liên Xô. Chỉ vài ngày sau, người đàn ông trên được đưa về Đại sứ quán Liên Xô và sau đó bí mật tới Moskva.
Thời điểm đó, chỉ có một vài nhân vật cao cấp tại Moskva mới có thể biết được, người đàn ông lạ mặt trên chính là Stig Bergling - một điệp viên quan trọng của Cơ quan Tình báo quân đội Liên Xô (GRU) tại Thụy Điển vừa trốn thoát một cách ngoạn mục sau khi bị Tòa án Thụy Điển kết án tù chung thân vì làm gián điệp cho Liên Xô.
Bị bắt vào năm 1979, 8 năm sau, ông đã chạy trốn trong một cuộc gặp với vợ do ban quản lý nhà tù cho phép chiểu theo pháp luật hiện hành bấy giờ. Sau đó, ông được tình báo Liên Xô cử sang Liban huấn luyện các chiến binh Liban.
Nhà báo Peter Kadhammar đã thu thập và công bố các thông tin bí mật liên quan tới điệp viên Stig Bergling - "nhân vật Thụy Điển" làm việc cho Nga.
Siêu điệp viên "hai mang"
Stig Bergling (tên đầy đủ là Stig Svante Eugen) sinh ngày 1/3/1937. Năm 1959, ông gia nhập lực lượng cảnh sát và chỉ 10 năm sau trở thành sĩ quan liên lạc của SAPO, vào giai đoạn đó chuyên tập trung vào nhiệm vụ phản gián chống Liên Xô. Sau đó, Bergling chuyển sang làm việc tại Ban An ninh của Bộ Tổng tham mưu, là nơi có nhiệm vụ chuyên sao chép những tài liệu mật và lưu giữ chúng trong một chiếc két đặc biệt.
Theo sự điều động của cấp trên, Bergling có mặt ở Trung Đông, trong thành phần một phái đoàn quan sát viên của LHQ. Tại Beirut Liban, nhân viên phản gián của Thụy Điển đã làm quen với Alexander Nikiforov, tùy viên quân sự Liên Xô và đề nghị cộng tác với GRU. Từ năm 1973, Bergling bắt đầu cung cấp cho Moskva nhiều tài liệu mật thu thập được từ hồi còn làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, kể cả mật mã và bản đồ các công trình quốc phòng của Thụy Điển.
Cũng nhờ Bergling, Moskva đã biết được kế hoạch của NATO xây dựng một loạt trạm do thám điện từ trên lãnh thổ Thụy Điển để hoạt động chống lại Liên Xô.
Bergling quay trở lại Thụy Điển vào năm 1975, làm việc tại Cơ quan Phản gián của Bộ Tổng tham mưu và tiếp tục cung cấp cho Moskva nhiều thông tin quan trọng nữa. Tính ra, GRU đã nhận được từ điệp viên hàng đầu này hơn 1.000 bản sao chép các tài liệu mật khác nhau.
Đáng chú ý là trong số các trọng trách của Bergling ở Cơ quan Phản gián còn có cả nhiệm vụ giám sát hoạt động của các cơ quan mật vụ Liên Xô tại Thụy Điển. Chính nhờ vậy, năm 1976 ông đã kịp thông báo cho cấp trên về trường hợp một tùy viên quân sự Liên Xô tại Stockholm đang có ý định xin cư trú chính trị tại phương Tây. Nhờ đó, nhân vật này đã được Moskva nhanh chóng triệu hồi về kịp thời.
Với mật độ hoạt động khá ráo riết, Bergling đã bị các đồng nghiệp nghi ngờ. Một số nguồn tin còn khẳng định, Bergling đã bị một kẻ đào thoát là Oleg Gordievski khai báo. Tên phản bội này đã tiết lộ cho các ông chủ mới tại Anh về việc, GRU đã tuyển mộ được một điệp viên của SAPO.
Ngay sau khi thông tin trên được báo cho Stockholm, đích thân chỉ huy Cơ quan Phản gián Thụy Điển đã bay sang London để phỏng vấn Gordievski. Còn có một vài giả thuyết khác về nguyên nhân lộ tẩy của điệp viên này, chẳng hạn như Bergling bị bắt do sự trả thù của một tình nhân cũ, hay do lời khai của một điệp viên Liên Xô phản bội khác là Alexandr Ogoronik.
Cuộc đào tẩu xuyên biên giới
Được biết Bergling làm công việc "thứ hai" của mình từ khá lâu. Các tín hiệu về hành vi đáng ngờ của ông, ban đầu do một phụ nữ quen biết của Bergling đưa ra, nhưng đã không được xem xét một cách nghiêm túc.
Sau khi Bergling bị lộ, người ta mới đặt câu hỏi: Tại sao các cơ quan có thẩm quyền lại chậm trễ như vậy trong việc bắt giữ ông? Người ta nêu lên một số yếu tố như: gián điệp này luôn gặp gỡ với các liên lạc viên ở ngoài biên giới Thụy Điển, không bao giờ sử dụng điện đài để truyền tin tình báo.
Ngày 10/3/1979, nhân một chuyến công du tiếp theo tới Trung Đông trong khuôn khổ một sứ mệnh của LHQ, Bergling đã bị nhân viên Cơ quan An ninh Israel bắt giữ ngay tại sân bay Tel-Aviv và chuyển giao cho phía Thụy Điển chỉ vài ngày sau đó. Khi bị thẩm vấn, Bergling thừa nhận đã cộng tác với tình báo Liên Xô. Ngày 7/12/1978, Bergling bị kết án tù chung thân. Trong tù, Bergling đổi tên thành Eugen Sandberg, sau khi kết hôn với cô bạn gái thời trẻ Elizabeth Sandberg.
Ông đã ngồi trong nhà giam Thụy Điển suốt 8 năm. Ban đầu, ông bị cách ly nghiêm ngặt với các tù nhân khác. Dần dần, người ta được phép đến thăm ông, ông cũng được phép ra ngoài nhà tù trong thời gian ngắn dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt. Hai lần vào các năm 1985 và 1987, ông đã gửi tới tòa án các cấp đơn xin ân xá nhưng đều bị bác đơn. Cũng từ thời điểm này, Stig Bergling bắt đầu toan tính về kế hoạch chạy trốn.
Đêm 6/10/1987, tận dụng cơ hội được tranh thủ về thăm vợ tại thị trấn Rinkebiu, ngoại ô Stockholm, Bergling đã lừa được các nhân viên áp giải để chạy trốn cùng với vợ.
Sau khi thay đổi vài chiếc xe hơi, vợ chồng Bergling đã lên một chiếc xe chờ sẵn của tình báo Liên Xô để tới bến cảng, từ đây họ lên phà tới quần đảo Ahvenan. Sau đó, họ đến sứ quán Liên Xô tại Helsinki, được các nhân viên GRU đón tiếp và sắp xếp chỗ ở. Họ sống tại căn hộ của GRU từ ngày 7 tới ngày 10/10/1987, trong khi các nhân viên GRU tích cực chuẩn bị cho cuộc trốn chạy bí mật của họ trên một chiếc xe mang biển ngoại giao.
Chính Bergling phải nằm trốn trong khoang hành lý xe ôtô khi vượt biên giới. Dấu vết của Bergling, dưới cái tên Eugen và họ của người vợ, đã biến mất sau đó mặc dù các cuộc truy tìm gián điệp này vẫn tiếp tục.
Vợ chồng nhà Bergling sống một thời gian tại Moskva với giấy tờ giả được tạm cấp là của gia đình Ivar và Elisabeth Straus. Bergling vẫn tiếp tục làm việc cho tình báo Liên Xô, được đào tạo thêm về nghiệp vụ và cử sang tập huấn tại Budapest (Hungary). Năm 1990, vợ chồng Bergling tới Liban, tiếp tục hoạt động cho GRU dưới vỏ bọc là công dân Anh có tên Ronald Charles Abay và Sylvie Tin Abay.
Nhóm Action Directe của Pháp và lực lượng Baader-Meinhof của Đức là hai trong số nhiều "học trò" được điệp viên Bergling huấn luyện quân sự.
Như vậy, Stig Bergling và vợ đã băng qua lãnh thổ Liên Xô để đến Liban khi đó nằm dưới dự kiểm soát của Syria. Sau đó, Bergling được thượng cấp báo tin "đã đến lúc trở về nhà".
Không còn có sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía Syria, sau những năm dài sống tại Liban, Bergling đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở về tổ quốc vào tháng 8/1994, và bị bắt giữ sau đó không lâu. Động cơ của hành động lạ lùng này cho tới thời điểm hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Bergling phải ngồi tù thêm 3 năm và đến tháng 7/1997 được trả tự do. Còn bà vợ Elizabeth đã qua đời trước đó vì căn bệnh ung thư.
Những chuyện chưa bao giờ được kiểm chứng
Tờ Experessen của Thụy Điển từng viết: Stig Bergling bị tòa án Thụy Điển kết án tù chung thân vì tội làm gián điệp cho Liên Xô, sau đó chạy thoát và tiếp đó, như khẳng định của chính quyền Thụy Điển, được tình báo Liên Xô cử sang Liban để huấn luyện các chiến binh Palestine (mà thực chất là các nhóm khủng bố) sử dụng kỹ thuật quân sự do Liên Xô sản xuất.
Nhóm khủng bố này đã tách khỏi Tổ chức Giải phóng Palestine PLO, bị buộc tội dính líu vào vụ tai nạn của máy bay chở khách của Hãng Pan America Mỹ trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988. Trong số các học trò của Bergling có cả các thành viên của nhiều tổ chức khủng bố khác, cũng như các thành viên phản động định cư ở Cận Đông của Tổ chức Quân đội Cộng hòa Ireland IRA, của nhóm Action Directe của Pháp và lực lượng Baader-Meinhof của Đức. Trại huấn luyện của Bergling nằm cách Beirut 50 km, trong thung lũng Bekaa, trên phần lãnh thổ Liban do Syria kiểm soát.
Tất cả những dữ liệu này được nhà báo Peter Kadhammar nhận được từ một người đồng nghiệp Liban giấu tên, có mối quan hệ rộng rãi, kể cả trong giới chức an ninh Liban. Nhà báo Thụy Điển này đã được kể về mảnh giấy trong đó có đề cập đến một "nhân vật Thụy Điển" làm việc cho người Nga. Người Thụy Điển mà tên không được nêu rõ trong mẩu giấy này là một người trong "nhóm chuyên gia quân sự", dưới sự kiểm soát của Syria, đã tham gia huấn luyện các nhóm khủng bố sử dụng kỹ thuật quân sự.
Vậy tại sao nhà báo này lại cả quyết người được đề cập trong mảnh giấy đó chính là Stig Bergling? Trong mảnh giấy có nói rằng, "người Thụy Điển" thường gặp gỡ vị chỉ huy Nga của mình ở Beirut, tại nhà hàng Mandarin đối diện với trung tâm văn hóa Nga tại thủ đô Liban và chỉ cách Sứ quán Liên Xô trước đây (và nay là Sứ quán Nga) có ba khu phố.
Nhà báo Thụy Điển đã tới thăm nhà hàng này và đưa cho nhân viên nhà hàng xem ảnh của Bergling. Người đầu bếp nói chưa bao giờ trông thấy người này, còn anh hầu bàn thì biết rất rõ người đó. Cả chủ nhà hàng cũng nói: "Ông ta mới ở đây vào tháng trước".
Việc huấn luyện các chiến binh đã bị chấm dứt năm 1993. Nhưng nếu vậy thì Stig Bergling đã làm gì trong một năm trời cho đến khi trở về Thụy Điển? Ngoài ra, cuộc chạy trốn của Bergling đã làm gãy đổ đường công danh của nhiều quan chức cao cấp, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển khi đó là Sten Wickbom đã phải từ chức.
Vậy mà sau đó, dư luận lại chứng kiến sự trở về của gián điệp được cho là gây tổn thất lớn nhất cho nền an ninh Thụy Điển. Cái gì là nguyên nhân cho bước đi như vậy? Có lẽ là bởi vì mong ước được gặp mặt mẹ già đang sống tại nhà dưỡng lão ở thành phố Falun? Tháng 12/1994, bà đã 90 tuổi. Bản thân bà mẹ, như lời khẳng định của các nhân viên nhà dưỡng lão, không bao giờ nhắc tới con trai và không hề muốn nói chuyện về anh ta.
Tóm lại, vụ Stig Bergling bắt đầu có thêm ngày càng nhiều chi tiết. Bản thân "siêu điệp viên" cũng thật sự lo lắng và sợ mình sẽ bị buộc nhiều tội mà ông chẳng hề có liên quan. Cho tới giữa năm 2006, người ta vẫn còn thấy Bergling tham gia hoạt động chính trị khi gia nhập đảng cánh tả Thụy Điển (thay thế cho đảng Cộng sản trước đây), thậm chí còn ra tranh cử vào Quốc hội nhưng thất bại.
Tuy nhiên khi về già, cựu điệp viên nổi tiếng một thời của GRU đã phải lui về sống ẩn dật, hằng ngày đối chọi với chứng bệnh Parkinson, và hiện phải đi lại trên xe lăn…